Người giàu ở Ý từ bỏ siêu xe do thuế cao và ngại cảnh sát lục xét
Những người giàu tại Ý đang phải dứt ruột từ bỏ những chiếc siêu xe yêu thích nếu không muốn bị đánh thuế cao và bị cảnh sát lục xét. Mỗi tháng có hàng trăm siêu xe second-hand đang rời Ý để tới các nước khác.
Chiếc Ferrari 458 Italia trị giá 204.000 euro có thể ít thấy xuất hiện trên đường thậm chí ngay tại nước Ý. Ngày nay, nó đang trở nên hiếm hoi hơn do các biện pháp thắt lưng buộc bụng đã khiến những chủ xe Ferrari muốn bán chiếc siêu xe của họ bởi chi phí phát sinh quá tốn kém.
Nhu cầu giảm mạnh đối với các mặt hàng đắt tiền kết hợp với việc cắt giảm ngân sách đang “vắt kiệt” sức tiêu thụ xe thể thao vốn là biểu tượng cho một lối sống thảnh thơi của nước Ý. Số lượng xe thể thao hiệu năng cao đã qua sử dụng được xuất khẩu từ Ý tăng gần gấp 3 lần, đạt 13.633 chiếc trong 5 tháng đầu năm 2012 so với con số 4.923 chiếc của một năm trước đó.
Ý là một trong những nước sở hữu nhiều siêu xe nhất, và chúng đang dần biến mất trên đường phố. Điều này đang chỉ ra một thực tế rằng cuộc khủng hoảng kinh tế đang tàn phá nền kinh tế của quốc gia Nam Âu.
Hiện tượng trên cũng phản ánh nhu cầu đang yếu đi đối với siêu xe tại quê hương của Ferrari và Maserari, những nhãn hiệu sinh lợi nhuận nhiều nhất của Fiat Group. Lượng tiêu thụ của những chiếc xe siêu sang tại Ý được dự đoán giảm 47% xuống còn 593 chiếc năm nay so với 1.116 chiếc năm 2008, theo số liệu của HIS Automotive. Hãng phân tích thị trường này cũng dự đoán doanh số bán xe sẽ không thể hồi phục đạt mức trước khủng hoảng cho tới năm 2016.
Những sự kiện tụ tập thế này chỉ còn là dĩ vãng
Chính phủ của Thủ tướng Mario Monti đang thi hành cắt giảm 20 tỷ euro (tương đương 25 tỷ USD) bằng các biện pháp khắc khổ tại đất nước mà đang gánh khoản nợ công lên tới 1,9 ngàn tỷ euro. Nền kinh tế Ý đã giảm đến 4 quý liên tiếp và tỷ lệ thất nghiệp đã tăng tới mức cao nhất.
Suy thoái kinh tế cũng đã buộc Fiat, nhà sản xuất xe hơi lớn nhất của Ý, phải tạm dừng các khoản đầu tư tại đất nước này. CEO Sergio Marchionne có thể sẽ đóng cửa một nhà máy khác ở Ý sau khi đã đóng cửa một nhà máy ở Sicily năm ngoái. Nhu cầu về siêu xe không mấy sáng sủa cũng có thể tác động tới mối liên hệ giữa Fiat và nước Ý, thúc đẩy nhà sản xuất này tiến hành các hoạt động đầu tư tại các thị trường như Mỹ và Trung Quốc.
Marchionne tin tưởng những mẫu xe hạng sang của Fiat sẽ làm giảm thua lỗ của những nhãn hiệu đại trà tại châu Âu. Lợi nhuận kết hợp của Ferrari và Maserati đã đạt 175 triệu euro trong quý I/2012 nhưng Fiat đã lỗ 345 triệu euro cũng trong khoảng thời gian đó.
Thực tế nước Ý đã không còn là thị trường sinh lời của siêu xe sau khi Monti tăng thuế đối với những người sở hữu siêu xe như một phần trong những cải cách ngân sách của ông. Sau những điều chỉnh về thuế, chủ nhân của một chiếc Lamborghini Aventador trị giá 316.000 euro phải trả khoảng 8.400 euro tiền thuế mỗi năm, tăng tới 6.600 euro so với trước đó.
Từ cuối năm 2011, giới chức Ý đã tiến hành nhiều lần tăng thuế đối với những vùng giàu có, bao gồm cả những khu nghỉ dưỡng như Cortina d'Ampezzo và Portofino. Cảnh sát đã dừng những chiếc xe thể thao để kiểm tra xem chủ nhân đã nộp đủ thuế hay chưa.
Tháng trước, thuế vụ đã bắt giữ một người đàn ông 44 tuổi đang lái một chiếc Ferrari F40 vì chưa trả 8 triệu euro tiền thuế từ năm 2006. Trong một đợt truy quét hồi tháng 7 tại thành phố Bergamo, cảnh sát đã phát hiện ra một tài xế của chiếc Ferrari F131 trị giá 200.000 euro đã trốn thuế 3 triệu euro từ năm 2007.
“Nhiều chủ xe Ferrari muốn giải thoát khỏi những chiếc siêu xe của họ sau khi cảnh sát thuế vụ tới khám xét một sự kiện ở Rome và kiểm tra từng người”, Fabio Barone, chủ nhiệm câu lạc bộ chủ xe Ferrari Passione Rossa, phát biểu. “Một trong số những thành viên đã phải bán chiếc Ferrari 458 với giá 143.000 euro sau khi đã bỏ 224.000 euro mua nó năm ngoái”.
Tình trạng này không chỉ diễn ra đối với xe Ferrari. Mỗi tuần có khoảng 200 chiếc Porsche “second-hand” đã rời Ý để tới các nước châu Âu. Lượng xuất khẩu xe Porsche Cayenne đã qua sử dụng tăng gấp 3 lần, đạt 1.134 chiếc trong 5 tháng đầu năm 2012.
Trong khi lượng tiêu thụ xe Ferrari tại Ý đang bị tác động bởi một chiến dịch chính trị “chống người giàu”, ban lãnh đạo Ferrari vẫn tự tin khẳng định nhu cầu đối với chiếc FF 4 chỗ ngồi sẽ giúp nhãn hiệu này tăng lượng bán xe lên hơn 7.000 chiếc mỗi năm. Mặc dù các quan chức Ferrari ủng hộ nỗ lực chống trốn thuế của chính phủ nhưng họ không đồng ý với “viễn cảnh mị dân” của những biện pháp này. Trên thực tế Ferrari bán tới 95% lượng xe của họ ở các thị trường bên ngoài nước Ý.
Sự mở rộng toàn cầu của Ferrari, Maserati và Lamborghini không giúp những người Ý như thành viên của câu lạc bộ Passione Rossa. Hồi tháng 6/2012, 40 thành viên của câu lạc bộ đã bị cảnh sát thuế vụ khám xét. Nhóm cảnh sát đứng đón lõng tại bến phà và đợi một chiếc phà chở đoàn xe Ferrari cập cảng Palermo trong một chuyến đi của câu lạc bộ ở Sicily. Và Fabio Barone đã phải thốt lên rằng “thời đại thảnh thơi và cuộc sống tươi đẹp của người giàu Ý đã lùi xa vào dĩ vãng”.