Một chiếc Tắc-xông mui trần hiếm có được phục chế như mới
Trong các mẫu xe hơi cổ còn sót lại tại Việt Nam hiện nay, Citroen Traction Avant (người Việt thường gọi là Tắc-xông) sản xuất tại Pháp cách đây 80 năm được nhiều người chơi công nhận có sức cuốn hút rất lớn bởi vẻ đẹp toát ra từ đường nét thiết kế thân xe. Các phiên bản mui trần nguyên thủy của dòng xe này càng được giới chơi xe nâng niu vì độ hiếm của nó.
Citroen Traction Avant được sản xuất bởi Citroen – hãng xe hơi Pháp, thành lập vào năm 1919 bởi Andre Citroen. Ngày nay, hãng này là một phần của tập đoàn PSA Peugeot Citroen Group.
Để tiếp cận được chiếc Tắc-xông mui trần, thông qua sự giới thiệu của một người chơi xe cổ có uy tín ở Sài Gòn, phóng viên Xe&ĐờiSống đã lặn lội về vùng kênh rạch chằng chịt miền Tây Nam Bộ tìm gặp chủ xe – ông Mai – một trong số ít tay kỳ cựu trong giới sưu tầm xe hơi cổ.
Chiếc Tắc-xông mui trần khi đóng nắp hàng ghế sau.
Và khi mở nắp.
Xe trang bị động cơ 4-6 xi-lanh, dung tích từ 1,3 đến 2,9 lít, với hộp số sàn 3 cấp. Tốc độ tối đa 130 km/h và mức tiêu hao nhiên liệu 10 lít/100 km.
Ông Mai cho biết, chiếc xe được mua lại từ một người ở TP.HCM. Tổng thể xe hầu như còn nguyên nên sau khi được làm đồng sơn tỉ mỉ xe trông như mới với nước sơn bóng loáng và thân xe hầu như không gợn tì vết. Một số chi tiết thêm vào không đáng kể như gương chiếu hậu, vỏ đèn xi-nhan, bệ gác chân để bước vào hàng ghế sau.
Thử nổ máy, tiếng đề hơi gắt nhưng âm thanh động cơ nhanh chóng trở nên rất êm, nhịp máy “tròn trịa” và đều đặn. Chạy khoảng 5 cây số xe còn êm nữa, mất hẳn tiếng giã xàch xạch. Êm đến nỗi nhiều khi dừng xe có thể… quên tắt máy.
Hồi ức của một người mê xe ở Sài Gòn về Tắc-xông: “Và tôi vẫn nhớ như in vẻ đẹp kiêu hãnh của chiếc xe, với 2 vè trước cong lượn đầy kiểu cách, cản xe mạ crôm bóng loáng, 2 chữ V ngược đặt trên nền kẻ sọc thoáng đãng của mặt nạ ở đầu xe. Hai đèn pha thì giương lên như cặp mắt chú ếch, nhưng đầy vẻ quý phái...”.
Hiện nay, công việc làm chủ một nhà hàng tiệc cưới âu cũng là cái duyên đưa đẩy ông Mai có cơ hội tiếp tục gắn bó với chiếc Tắc-xông. Đôi khi hứng chí, chính ông sẽ là tài xế nhẹ nhàng điều khiển chiếc Tắc-xông đưa đôi uyên ương cô dâu chú rể lướt êm qua khắp phố phường trong nhiều ánh mắt ngạc nhiên xen lẫn niềm thích thú của mọi người.
Cà-vẹt và sổ đăng kiểm chiếc Tắc-xông mui trần của ông Mai.
Theo ông Mai, đội thợ phục chế đã bỏ ra nhiều tháng ròng rã để sửa chữa chiếc xe, nhưng mất công nhất là phục hồi máy. Do phải tiêu tốn rất nhiều công sức nên sau khi hoàn thành, những người thợ tuyên bố không bao giờ nhận làm máy một chiếc Tắc-xông nào nữa.
Giữa tháng 9 vừa qua, trên một trang mua bán online, có người tại Sài Gòn rao bán với mức giá 920 triệu đồng cho một chiếc Tắc-xông mui trần (đời 1937) đã phục chế hoàn toàn như mới. |