Minh bạch chưa?!
Hôm 20/12, trong buổi tọa đàm trực tuyến “Minh bạch hóa giá xăng dầu theo cơ chế thị trường”, ông Nguyễn Cẩm Tú - Thứ trưởng Bộ Công thương liên tục xin lỗi ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Petrolimex: “Tôi thay mặt cơ quan quản lý nhà nước xin lỗi anh Bảo” và lý giải thêm, Nghị định 84 quy định giá dưới 7% do quyền điều hành của doanh nghiệp, nhưng thực tế nhà nước vẫn nắm quyền điều hành giá.
Không giải thích ông Bảo oan cái gì, ức bao nhiêu, nhưng ông Tú cứ tiếp tục: “Một lần nữa chúng tôi nhận lỗi với anh Bảo. Công cụ điều chỉnh giá còn ít, nên chúng ta điều hành giá có lúng túng nhất định, lại theo đuổi nhiều mục tiêu, gây giật cục trong điều hành, mà anh là nạn nhân”. Vâng, câu đó của ông xúc động quá nên đọc lướt cứ nhầm thành “giây giật cục trong điều hành”!
Còn ông Bảo nói, mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu đều có họp báo công bố các con số, “Nhưng chỉ minh bạch tại thời điểm đó, nhìn cả chu kỳ lại không minh bạch, vì tất cả những yếu tố (thuế, phí...) không theo chuẩn mực nào”. Điều này thể hiện qua số liệu tổng hợp giá năm 2012, theo đó bình quân giá thế giới tăng 3%, nhưng giá xăng trong nước tăng trung bình 11%.
Tiện ông Tú đang "nhũn", ông Bảo đu đẩy rằng, việc vận hành thuế lâu nay thiên về bình ổn giá, khi giá thế giới cao thì điều chỉnh hạ thuế, nhiều thời điểm xuống 0% để giữ giá bán. Nhưng khi giá thế giới hạ, Bộ Tài chính lại điều chỉnh thuế tăng lên, nên cơ hội giảm giá không còn. Do đó, nếu nhìn cả chu kỳ dài thì có vẻ không minh bạch.
Chính cái sự "có vẻ không minh bạch" đó, đối với người tiêu dùng xăng dầu, là không minh bạch. Chỉ đánh giá trên 1 chỉ số thống kê năm 2012 là thấy: trong khi giá bình quân thế giới tăng 3% thì giá trung bình trong nước tăng 11%. Như vậy, khái niệm "bình ổn giá" hiện nay là chưa đầy đủ, mà đúng ra là "tăng giá bình ổn".
Sự minh bạch nằm ở đâu nếu ngay trong buổi toạ đàm gắn mác "minh bạch" mà người ta không mang đến con số thống kê (sát thực hay không chưa thể kiểm chứng) sơ bộ năm 2012 tổng thu ngân sách từ thuế và phí xăng dầu là bao nhiêu? Nếu nhà nước vẫn đang thu thuế đến 30% giá bán lẻ xăng dầu thì cứ nhân tỷ lệ này với số liệu nhập khẩu thực (chịu tổng mức thuế - phí đó) nằm ở ngay trong túi các ông là... gần minh bạch rồi. Chứ các ông cứ đưa dân lành vào ma trận công thức tính giá cơ sở rồi vặn hỏi "thấy minh bạch chưa?" thì họ biết đằng nào mà trả lời?!
Minh bạch gì khi "đội ông Tú" lập ra cơ chế tính giá cơ sở theo kiểu lấy giá rao trung bình những 30 ngày ở tận Singapore, còn "đội ông Bảo" nhập hàng với giá nào, mua vào lúc nào, lượng mua bao nhiêu thì không rõ? Mà dữ liệu không rõ đó cũng nằm trong túi ông Bảo chứ ở đâu xa.
Các ông cứ hô khẩu hiệu “xây dựng thị trường xăng dầu cạnh tranh” thế thôi, chứ thử hỏi có DN tư nhân bình thường, lành mạnh nào dám bỏ tiền đi buôn xăng dầu (như ông Bảo) mà không biết chắc thuế nhập khẩu sẽ được "điều hành" là bao nhiêu, vào lúc nào trong cái "biên độ" từ 0-40%!? Làm gì có nghề buôn bán minh bạch, theo cơ chế thị trường nào mà một người thì bỏ vốn, đi mua hàng và làm mọi thứ để phân phối ra thị trường, còn giá bán lại... do người khác điều hành?
Chính vì vậy, trong cả buổi toạ đàm, ông Tú chỉ nói ra được một câu gần với thực tế này là “Xây dựng thị trường cạnh tranh xăng dầu là một quá trình dài, chúng ta mới đang ở tầng hầm, hoặc gần tầng 1 của ngôi nhà”. Vâng, nhưng ông vẫn còn úp mở lắm khi không cho công chúng biết "ngôi nhà" đang xây đó có thiết kế mấy trăm tầng, để dân cố sống mà chờ đến ngày khánh thành?
Nói cho minh bạch và sòng phẳng, theo đúng ngôn ngữ thị trường, thì nhà nước mới là chủ thể buôn xăng dầu. Chính hai Bộ Tài chính và Công thương vẫn đang làm việc đó, nhưng không được tốt lắm vì hoạt động "điều hành giá có lúng túng nhất định, lại theo đuổi nhiều mục tiêu, gây giật cục trong điều hành". Còn các DN đầu mối thì dùng vốn (chủ yếu cũng của nhà nước) và nhân sự (phần lớn cũng là công chức) để nhận khoán kinh doanh xăng dầu từ nhà nước, tận hưởng lợi nhuận định mức và vơ vét mọi khoản tiền ngoài cả định mức lẫn đạo lý...
Bởi vậy, khi các DN đầu mối phải đơn độc hứng chịu búa rìu dư luận thì ông Thứ trưởng Bộ Công thương kia mới phải năm lần bảy lượt "xin lỗi anh Bảo" chứ. Chỉ có điều, trong khi mải thể hiện sự hối hận sâu sắc, Thứ trưởng Tú đã nổi hứng phong cho Chủ tịch HĐQT Petrolimex lên chức "nạn nhân". Ấy thế mà ông Bảo cũng chẳng thèm ngúng nguẩy lấy lệ, còn ra vẻ mát mặt lắm. Nói toẹt ra, cùng là quan chức nhà nước với nhau, lại đều đứng đầu một bộ phận không nhỏ, làm gì có chuyện ông nọ là nạn nhân của ông kia? Xin lỗi, chỉ là nói cho vui thôi, chứ các ông chẳng nhầm lời thoại đâu. Còn ai mà chẳng biết, nạn nhân thật thì phải là người tiêu dùng xăng dầu và là của cả hai ông chứ!