Lại một chiêu phù phép số liệu của các hãng ôtô lớn
Một thời gian dài, các hãng xe và đại lý tại Đức đã tự đứng tên mua và đăng ký xe để làm đẹp số liệu bán hàng. Thật đáng báo động khi đến cả một thị trường lớn và minh bạch như Đức cũng đang phù phép số liệu nhằm che giấu sự suy thoái của thị trường.
Tự đăng ký để phù phép số liệu
Quá ít người ngoài ngành công nghiệp biết rằng có đến 3 trong số 10 chiếc xe mới ở Đức, bao gồm cả những chiếc BMW sang trọng, lại được bán cho chính các hãng xe và các đại lý của họ - một hình thức mà ngành công nghiệp xe hơi gọi là “tự đăng ký”.
Chiêu ép doanh số đại lý này cũng được các công ty lắp ráp xe hơi ở Việt Nam áp dụng với các đại lý từ lâu. Có điều, mục đích không phải là để tô vẽ số liệu mà nhằm bắt và lôi kéo hệ thống các đại lý tiếp tay cho hành vi ép người tiêu dùng phải mua xe với giá cao hơn nhiều lần.
|
Có tới gần nửa triệu đăng ký xe loại này tại Đức trong 6 tháng đầu năm 2012 và con số này đã lớn hơn quy mô của thị trường xe mới tại Tây Ban Nha cùng thời kỳ.
Trong khi các thống kê chính thức cho thấy mức tiêu thụ xe ở Đức đã tăng 0,7% trong nửa đầu năm 2012, thì 2 công ty nghiên cứu thị trường là Dataforce và BDW Automotive lại đưa ra các số liệu cho thấy nhu cầu mua xe cá nhân đã giảm 5% trong khoảng thời gian này. Độ vênh này cho thấy mức tăng trưởng của thị trường đã bị phù phép bởi các nhà sản xuất xe hơi.
“Về bản chất, các nhà sản xuất đang lừa dối các cổ đông của họ, người ta lầm tưởng rằng xe đang bán chạy”, Ferdinand Dudenhoeffer, Giám đốc bộ phận nghiên cứu xe hơi của Đại học Duisburg-Essen, Đức, cho biết.
Một số nhà phân tích nói nhiều nhà sản xuất đang thưởng cho các đại lý một khoản tiền chiếm 3-4% giá niêm yết của một chiếc xe, để đạt được mục tiêu về số lượng xe mới bán ra và được đăng ký, bất chấp việc có khách hàng đặt mua thực sự hay không.
Chủ tịch GM tại Pháp Yves Pasquier-Desvignes đã cảnh báo chiến thuật này có thể gây ra “sự tàn phá” đối với các đại lý. Các đại lý đang ra sức gia tăng số lượng đội xe để cho khách hàng chạy thử, nhằm đáp ứng đáp ứng sức ép doanh số, nhưng cuối cùng chính họ sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Khi các đại lý không còn kham nổi, đến lượt các nhà sản xuất xe hơi tự mình ra tay. Chỉ 2 thành phần này bắt tay nhau đã chiếm tới 30% lượng xe mới được bán ra, chỉ thua mỗi đối tượng khách hàng cá nhân, chiếm 39%.
Thỏa hiệp về giá để khuyến khích các đại lý tự đăng ký xe
Trong khi lượng tiêu thụ xe mới năm ngoái đã suy giảm so với năm 2007, lượng xe cũ được bán đã tăng mạnh, tới 8,7%, cùng khoảng thời gian đó. Điều đó có thể khẳng định một sự tương đồng với sự tăng lên của những chiếc xe tự đăng ký mà sau đó sẽ được bán như xe cũ với những khoản giảm giá mà có thể lên tới 1/3 giá niêm yết.
“Nếu được sử dụng trong một thời gian dài, chiến thuật này là một mối nguy hiểm to lớn do nó gặm mòn hoàn toàn tất cả sức mạnh về giá và các nhà sản xuất không còn mong đợi người tiêu dùng sẽ trả nhiều hơn cho một chiếc xe trong tương lai”, Peter Fuss, nhà phân tích đối tác của Ernst & Young, cho biết.
Một lượng xe nhất định được các hãng tự đăng ký hợp pháp nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng của nhân viên hoặc làm xe lái thử tại các đại lý. Nhưng khi quy định này bị lách thì sẽ có đến 400.000 người làm việc trong lĩnh vực xe hơi tại Đức có thể chạy một chiếc xe được đăng ký bởi các nhà sản xuất và đại lý.
Các hãng xe sang cũng giảm giá
Một số nhà sản xuất xe hơi muốn thảo luận về vấn đề này. Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Đức, VDA, đã gọi những con số từ Dataforce và BDW Automotove liệt kê 480.000 chiếc xe tự đăng ký trong nửa đầu năm 2012 là “quá phóng đại”.
Đối với các nhà sản xuất xe hơi, việc chiến đấu để tồn tại, thậm chí với lợi nhuận rất thấp sẽ tốt hơn là không làm gì, nhưng các nhãn hiệu xe sang cũng đang phải dùng tiểu xảo này để làm đẹp số liệu.
3 nhãn hiệu hạng sang của Đức (Audi, BMW và Mercedes) đã bán ít nhất 1/5 số xe tại thị trường nội địa cho chính họ hoặc cho các đại lý của họ. BMW chiếm tỷ lệ cao nhất.
Một người phát ngôn của BMW cho biết hãng đưa ra các khoản khuyến mãi cho các đại lý để đẩy mạnh số khách hàng lái thử xe và như một hiệu quả trực tiếp, số lượng xe tự đăng ký đã tăng lên. BMW đã công bố lợi nhuận trong quý II/2012 đã sụt giảm lần đầu tiên trong 3 năm qua. Điều này cũng một phần xuất phát từ việc BMW đã chỉ đạo đại lý tự đăng ký xe mới và bán chúng với lợi nhuận rất thấp.
Cuộc đua phi lý về doanh số bán hàng
Một số chuyên gia thị trường đã nghiêm khắc nói rằng các nhãn hiệu xe sang đã tham gia vào cuộc đua phi lý về doanh số bán hàng.Việc đăng ký khống cho khách hàng “ảo” là không thể chấp nhận được đối với một nhãn hiệu hạng sang của Đức.
Mặc dù các nhà sản xuất cao cấp đang có nền tảng tài chính khá tốt, nhưng các chuyên gia cho rằng họ đã khuyến mãi rất mạnh trong ngắn hạn để chạy đua về doanh số.
Nhưng BMW không phải là nhà sản xuất duy nhất “thành công” khi tăng lượng xe tự đăng ký. Lượng xe bán ra của Hyundai trong nửa đầu năm 2012 tại Đức đã tăng hơn 17% và thị phần của hãng tăng 3,2%. Tuy nhiên số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy lượng xe mới được bán cho chính Hyundai và các đại lý đã tăng gấp 3 cùng khoảng thời gian này, chiếm tới 42% tổng lượng xe bán ra của Hyundai tại Đức.
Hyundai Đức cho biết công ty tăng trưởng một cách mạnh mẽ nhờ các nhân tố tạm thời như trình làng tới 5 mẫu xe mới và thực hiện các chương trình roadshow quảng bá tại 25 thành phố trên khắp nước Đức.
Nhưng Hyundai cũng tự nhận đã cung cấp cho khách hàng muốn sở hữu một chiếc xe mới với giá của xe cũ. Các đại lý của Hyundai cũng đang đáp ứng nhu cầu tìm mua xe đã được đăng ký của khách. Những chiếc xe này được bán ngay sau khi đăng ký và quá trình mua bán được kiểm soát chặt chẽ bởi Hyundai Motor và các đại lý tại Đức.