Jaguar Land Rover có thể đã sai lầm khi liên doanh với Chery
Liên doanh giữa hãng chế tạo xe hơi của Anh Jaguar Land Rover (JLR) và công ty sản xuất ôtô tư nhân lớn nhất Trung Quốc Chery Automobile, có vốn đầu tư 10,9 tỷ nhân dân tệ (1,75 tỷ USD), đã chính thức được Bắc Kinh thông qua hôm 18/11.
Theo đó, JLR-Chery sẽ cùng xây dựng một nhà máy sản xuất xe hơi gần thành phố Thượng Hải. Dự kiến nhà máy này sẽ hoàn thành vào năm 2014 và bắt đầu đi vào sản xuất từ năm 2015.
Ngoài ra, liên doanh JLR-Chery sẽ cho ra mắt một nhãn hiệu dành riêng cho thị trường này, thiết lập một trung tâm nghiên cứu phát triển, cùng với một nhà máy sản xuất động cơ.
Theo Bloomberg, trong 10 tháng đầu năm, JLR đã bán được hơn 294 nghìn xe tăng 35%. Trong đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất.
Các hãng xe sang trên thế giới hầu hết cũng đã có nhà máy ở Trung Quốc. Thậm chí BMW hay Mercedes đã mở rộng tới nhà máy thứ hai, với tổng vốn đầu tư cũng cả tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh các khoản lợi nhuận dễ nhìn thấy trong những năm trước mắt, việc JLR đặt nhà máy ở Trung Quốc mang lại nguy cơ rất lớn.
Thứ nhất, việc sinh ra một thương hiệu dành riêng cho Trung Quốc không đóng góp nhiều vào sự phát triển của một hãng xe lâu đời, chưa tính đến chuyện rất có thể nó sẽ không ăn khách. Thứ hai, các hãng xe Đức thường không chuyển giao những công nghệ quan trọng như động cơ tới Trung Quốc, đặc biệt khi đối tác Chery nổi tiếng với các mẫu xe nhái.
Ngoài ra, không như Mercedes hay BMW, quá trình chuyển sang Trung Quốc của JLR là đi hẳn, chứ không phải mở rộng. JLR từ lâu đã không còn thuộc sở hữu của người Anh và hiện nằm trong tay tập đoàn Ấn Độ là Tata. Tuy nhiên, các nhà máy vẫn ở nguyên tại chỗ từ hàng chục năm nay, ở đảo quốc sương mù. Có điều, quá trình dịch chuyển đã bắt đầu từ lâu. Năm 2010, Tata tuyên bố có kế hoạch đóng cửa nhà máy Jaguar hoặc Land Rover tại Anh vào năm 2014. Nếu để mất bản sắc truyền thống của những thương hiệu xe hơi có truyền thống nhất thế giới, đấy sẽ là dấu chấm hết cho cả Land Rover lẫn Jaguar.