Hoạ vô đơn chí với BYD

Không ít nhà đầu tư giờ đang băn khoăn liệu quyết định đầu tư vào BYD “ăn theo” tỷ phú Warren Buffet sẽ buộc họ phải trả giá ra sao.

4 năm trước, khi công ty BYD, vốn khá mạnh trong mảng công nghệ pin, đã dồn sức phát triển các mẫu xe điện. Lúc đó đã không ít nhà đầu tư, kể cả tỉ phú Warren Buffett, đã tin tưởng về triển vọng của công ty và họ tự hào trước quyết định “khôn ngoan” khi mua cổ phần của BYD. Nhưng vận xúi giờ đang khiến cả BYD lẫn các nhà đầu tư phải ngán ngẩm. Bởi tình hình tài chính cũng như công nghệ, đặc biệt là chính sách phát triển không nhất quán của BYD khiến họ hiện như đang treo lơ lửng quả tạ trên đầu.
 
Warren Buffett và Wang Chuanfu trong lễ ký kết đóng góp cổ phần ở BYD.
 
Gần đây, không có gì tốt đẹp đến với BYD. Cổ phiếu đã giảm tới 43% từ mức đang cao ngất ngưởng trong phiên giao dịch ngày 8/2. Các nhà đầu tư và các chuyên gia phân tích đã phải đặt ra câu hỏi: liệu công ty này có thực sự nắm vững nền tảng công nghệ hoặc chất lượng sản xuất xứng đáng như một nhân tố cạnh tranh hàng đầu và lâu dài ở thị trường Trung Quốc.
 
Thực trạng đáng lo ngại này xuất hiện khi số liệu cho thấy doanh số bán hàng của BYD - dòng xe chạy xăng, sản phẩm chủ lực của công ty - đã rơi vào cảnh héo hon suốt đầu năm 2012. Thực tế là người mua xe Trung Quốc đa phần chuyển hết sang mua những chiếc xe đắt tiền hơn nhưng có chất lượng tốt hơn từ các đối thủ của BYD. Đồng thời BYD lại không hề có ý đồ “chấn chỉnh” tình hình kinh doanh đáng lo đó. Họ cho rằng tương lai “tươi đẹp” của ngành công nghiệp ôtô có nhiều khả năng nằm trong các loại xe lai xăng-điện. BYD cũng cho rằng đi theo hướng này là có nhiều thuận lợi vì so với các hãng xe Nhật Bản, hãng xe Trung Quốc có lợi thế về kinh nghiệm và trình độ sản xuất các cụm pin cung cấp năng lượng cho xe.
 
Thế nhưng vụ tai nạn chết người ngày chủ nhật 27/5 vừa qua lại làm nảy sinh hàng loạt vấn đề mới về chất lượng, đặc biệt về tính an toàn của xe. Khi bị một chiếc Nissan GT-R đâm vào phía sau, chiếc taxi, một mẫu BYD e6 chạy bằng nguồn pin điện, văng qua 3 làn xe sang bên đường, đập vào một thân cây và bốc cháy, làm chết cả 3 người trên xe. Hình ảnh của cả xác xe bốc cháy sáng rực một cách nhanh chóng đã lan truyền khắp Internet ở Trung Quốc. Kết cục là hôm sau cổ phiếu BYD đã giảm mạnh, khiến công ty này đã phải soạn ra một tuyên bố dài dằng dặc với hàm ý nhấn mạnh rằng không có một chiếc xe nào, thiết bị điện hoặc linh kiện nào, có khả năng sống sót nổi với một lực tác động sau cú va chạm ở vận tốc khoảng 180km/h.
 
"Chúng tôi không biết điều gì đã xảy ra, có thể cụm pin bị cháy hoặc thiết bị cao áp hoặc vật liệu vải nỉ hoặc cũng có thể vì một số lý do khác", ông Paul Lin – đại diện của công ty cho biết. Ông còn thêm vào một lưu ý nữa, đó là cảnh sát cũng chưa xác định rằng liệu do tác động va chạm ở tốc độ cao hay đám cháy sau đó mới là nguyên nhân gây ra cái chết kinh khủng kia.
 
Một chiếc xe điện BYD e6 đang ở trạm sạc với chiếc xe Bus BYD.
 
Nhưng mặt khác, các phương tiện truyền thông Trung Quốc thì đều lưu ý một điểm trong bản tin của họ rằng hành khách trên chiếc xe thể thao của Nissan, gồm một người đàn ông say rượu đi kèm với 3 người phụ nữ, chả hề hấn gì. Và người lái xe đã bỏ đi rất nhanh sau tai nạn.
 
Mặc dù cổ phiếu BYD có sự hồi phục tăng trở lại vài phần trong ngày hôm qua, 29/5, khi các nhà đầu tư có vẻ dường như tạm chấp nhận lời giải thích của công ty. Tuy nhiên những thách thức về lâu dài với BYD vẫn còn nguyên.
 
Khó khăn lớn nhất BYD phải đối mặt trong vài tháng qua trên thị trường là việc tụt giảm thảm hại với dòng xe chạy xăng.
 
Doanh số bán xe của BYD đã giảm 8% trong 4 tháng đầu năm nay, chỉ riêng trong tháng 4, mức giảm lên đến 19%. Một phần của vấn đề “đen đủi” cũng do đã có một sự thay đổi mạnh trong chính sách quản lý xe hơi của chính phủ.
 
Thành phố Bắc Kinh, vốn là thị trường tiêu thụ xe hơi lớn nhất, đã ra chính sách cắt giảm hai phần ba số lượng cấp phép đăng ký cho xe mới. Thậm chí họ còn bắt người mua xe phải chơi trò may rủi “quay” xổ số để được nhận giấy phép cho đăng ký xe. Chính vì tấm giấy phép này quá đắt giá, mà người mua có xu hướng chọn mua các thương hiệu xe hơi đắt tiền nước ngoài thay vì xe nội địa cho bõ công..!
 
Một yếu tố khác cũng ảnh hướng lớn đến doanh số của xe hơi Trung Quốc là Chính phủ trong tháng 12 năm 2010, đã chính thức cho ngừng lại hai chương trình riêng biệt. Hai chính sách đã được họ áp dụng nhằm kích thích doanh số bán xe trong năm 2009 và 2010. Một chính sách là giảm mạnh thuế với dòng xe ôtô có động cơ nhỏ, còn chính sách khác là trợ cấp mua xe cho cư dân ở khu vực nông thôn. Mà các nhà sản xuất Trung Quốc, đặc biệt là BYD, lại dấn quá sâu vào sản xuất xe động cơ nhỏ, nhưng lại bán chúng với cái giá và chất lượng không tương xứng cho khách hàng nông thôn và những người có thu nhập tương đối thấp.

Tin tổng hợp

otoxemay.vn