Hiệp hội ôtô Nhật Bản “dọa” đóng cửa nhà máy
Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản (JAMA) Akio Toyoda nêu ra "6 rào cản" với các hãng xe hơi của nước này và kết luận “về lý thuyết, thật sự không thể hoạt động kinh doanh trong môi trường như vậy”.
Trong một bài phát biểu tuần trước tại trụ sở JAMA, ông Toyoda đã chỉ ra 6 rào cản này, gồm: đồng yên tăng mạnh, thuế doanh nghiệp cao, chậm chạptrong việc ký kết các thỏa thuận thương mại tự do với các quốc gia khác, quy định nghiêm ngặt trong thị trường lao động trong nước, tiêu chuẩn quá ngặt về giảm lượng khí carbon dioxide phát thải và nguy cơ thiếu hụt nguồn điện cho sản xuất.
Theo ông Toyoda, các thành viên JAMA có nguy cơ không thể tiếp tục sản xuất xe ở trong nước nếu hai rào cản lớn nhất là đồng yên tăng giá và thuế suất doanh nghiệp cao không được làm dịu bớt. “Nếu đồng yên tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện tại trong một thời gian dài thêm nữa, thì nền công nghiệp sản xuất xe nội địa sẽ bắt đầu có nguy cơ sụp đổ".
Cả 3 nhà sản xuất xe hơi lớn nhất Nhật Bản (Toyota, Honda và Nissan) đã từ bỏ hầu hết các đơn hàng cung cấp xe sản xuất tại Nhật, từ tháng 1 đến tháng 3 do lo ngại về tình hình nợ công tại châu Âu. Trong quý I/2012, đồng yên tăng giá mạnh đã ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của các công ty Nhật Bản. Đồng yên đã tăng giá mạnh tới 40% so với từ trước khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.
Trong báo cáo, ông Toyoda cũng cảnh báo rằng các nhà sản xuất xe hơi nội địa đang phải cố gắng tận dụng mọi tiện ích và nguồn lực trong nước. Đồng thời họ cần phải liên kết chặt chẽ với nhau để bảo hộ cho công ăn việc làm. Bởi nếu để xảy ra sự chuyển dịch sản xuất của khoảng 1 triệu xe ra các nhà máy ở nước ngoài, sẽ dẫn đến nguy cơ làm hàng ngàn công nhân trong ngành mất việc.
Nói về thị trường xe hơi nội địa, ông cho biết: “Tại Nhật Bản, người ta nói rằng thị trường ôtô đã ổn định, hoàn toàn sai lầm, bởi vìthị trường vẫn đã tăng trung bình khoảng 4% trong vòng 20 năm qua và sẽ còn tăng trưởng tiếp tục”. Vì thế theo ông, những biện pháp thắt chặt sản xuất là không hợp lý.
Riêng đối với triển vọng của thị trường ôtô toàn cầu, ông Toyoda tỏ ra lạc quan dù có một số mối quan ngại, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu và nền kinh tế Mỹ chậm chạp.“Nhu cầu về xe hơi ở các nước đang phát triển cònmở rộng, và ở thị trường Trung Quốc, tầng lớp trung lưu muốnmua xe sẽ tiếp tục phát triểnmạnh.”Hãng Toyota mà ông đang là CEO dự đoán lượng tiêu thụ sẽ tăng 21% và đạt mức tiêu thụ kỷ lục 9,58 triệu chiếc trong năm 2012. Đây là một bước nhảy ngoạn mục của Toyota sau khi hứng chịu thảm họa kép động đất sóng thần tại Nhật Bản và Thái Lan khiến sản xuất bị gián đoạn trong năm ngoái. Năm 2011, Toyota đã bán được 7,95 triệu xe.
Ngoài ra, ông Toyoda cũng cho biết JAMA sẽ tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của Nhật Bản trong quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương do Mỹ hậu thuẫn, gồm các thỏa thuận hợp tác đầu tư thương mại nói chung và ngành sản xuất ôtô nói riêng tới các nước trên trục ngang của Châu Á-Thái Bình Dương.Đồng thời họ cũng có kế hoạch kêu gọi chính phủ Nhật bãi bỏ quy định thu mua lại ôtô cũ và các loại thuế tải trọng để giảm chi phí cho việc sở hữu xe mới.
Gần đây nhất hai nhà sản xuất ôtô Nhật Bản là Honda và Suzuki vừa mới thông báo đầu tư thêm nhà máy tại Indonesia và Ấn Độ. Honda hôm thứ hai đã khởi công xây thêm nhà máy sản xuất ôtô tại ngoại ô Jakarta, trị giá đầu tư là 25 tỉ yên (315 triệu USD). Tại Ấn Độ, Suzuki cũng mới đổ ra 40 tỉ Rupi (727 triệu USD) để xây nhà máy thứ 3 tại bang Gujarat với công suất 250.000 xe/năm.
Còn trước mắt nhằm đối phó với tình trạng thiếu điện vẫn có khả năng cao trong mùa hè này.Ông Toyoda cho biết ngành công nghiệp ôtô Nhật vẫn giữ kế hoạch ngày làm việc như năm ngoái, để giảm bớt nhu cầu tiêu thụ điện cao điểm vào các ngày trong tuần.Theo đó, công nhân các nhà máy ôtô được nghỉ thứ năm và thứ sáu, đi làm ngày thứ bảy và chủ nhật. Cho dù điều này đặt rất nhiều gánh nặng cho nhân viên, cũng như đối tác kinh doanh và khách hàng, họ vẫn phải chấp nhận.