Go-Jek sắp vào Việt Nam, “tuyên chiến” với Grab
Go-Jek - hãng cung cấp ứng dụng gọi xe của Indonesia - đang có ý định mở rộng sang các thị trường Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines trong vài tháng tới, “thách thức” sự bành trướng của Grab trong khu vực.
Ngày 24/5, Go-Jek cho biết sẽ bắt đầu với ứng dụng đi chung xe tại các quốc gia kể trên. Nhưng mục tiêu cuối cùng là nhân rộng mô hình kinh doanh đa dịch vụ đã đem đến cho hãng vị trí dẫn dầu tại Indonesia.
Đối thủ của Grab tiếp lộ sẽ đầu tư 500 triệu USD để phục vụ kế hoạch mở rộng sự hiện diện trên toàn cầu. Trong đó, hoạt động tại Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines sẽ do các đối tác địa phương đảm nhiệm, Go-Jek hỗ trợ về mặt công nghệ.
Nadiem Makari - nhà sáng lập, CEO Go-Jek - nhận định: “Ở thời điểm hiện tại, các khách hàng tại Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines chưa có nhiều lựa chọn khi nhắc đến thị trường đi chung xe. Chúng tôi hy vọng rằng khi Go-Jek xuất hiện ở những thị trường mới, chúng tôi sẽ nhanh chóng trở thành lựa chọn của nhiều người”.
Cuối tháng 4/2018, Go-Jek đã tổ chức những cuộc đàm phán với ComfortDelGro - hãng taxi lớn nhất Singapore - để thảo luận về mối quan hệ đối tác tiềm năng.
Ảnh: Cafebiz
Tại Indonesia đang diễn ra cuộc đua “song mã” giữa Go-Jek và Grab nhưng ở hầu hết quốc gia Đông Nam Á khác, Grab vẫn ở thế “áp đảo”, đặc biệt sau khi hãng cung cấp ứng dụng gọi xe Singapore “mua đứt” Uber ở khu vực này.
Dù vậy, Grab cũng gặp phải không ít rắc rối khi trở thành tâm điểm các cuộc điều tra ở Philippines, Singapore và Malaysia... Ngày 18/5, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam ra quyết định chính thức điều tra thương vụ sáp nhập Uber-Grab do có dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh 2004. Trước đó, cuộc điều tra sơ bộ kết luận thị phần kết hợp của hai bên vượt quá 50%.
Bên cạnh hình thức phạt tiền 10% doanh thu năm tài chính 2017, cơ quan quản lý còn có thể áp dụng những hình phạt bổ sung đối với công ty vi phạm như thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh, yêu cầu chia tách hay bán lại phần doanh nghiệp đã mua.
Chưa dừng lại ở đó, kể từ khi Grab “thâu tóm” Uber, không ít khách hàng Việt đã bày tỏ sự bức xúc khi cho rằng giá cước của hãng tăng ít nhất 25-30%. Việc gọi xe cũng khó khăn hơn, hay tình trạng tài xế hủy chuyến vô tội vạ.