GM và Ford có nên rút khỏi châu Âu?
GM và Ford liệu vẫn cần cạnh tranh ở châu Âu? Họ có thực sự cần sản xuất và bán xe ở một thị trường mà đã chuyển từ tăng trưởng và lợi nhuận thấp sang không tăng trưởng và không lợi nhuận?
Vậy tại sao tiếp tục mất tiền ở châu Âu khi Trung Quốc được dự đoán trở thành một thị trường với quy mô 30 triệu xe vào năm 2020 và lượng tiêu thụ xe mới ở Mỹ đang tăng lên 16 triệu chiếc một năm sớm hơn dự định?
Trước đó, GM gần như có thể đã chuyển toàn bộ hoạt động của nó ra khỏi châu Âu nếu bán Opel/Vauxhall cho Magna International năm 2009, Chevrolet vẫn được giữ lại nhưng toàn bộ xe được nhập khẩu từ Hàn Quốc.
Max Warburton, nhà phân tích xe hơi của Bernstein Research, nghĩ rằng GM và Ford nên chấm dứt sản xuất và bán xe tại châu Âu bởi vì việc kiếm tiền từ xe hơi ở đây chỉ toàn thua lỗ. VW đang quá mạnh trong khi các đối thủ khác cũng đang thua lỗ ngập ngụa còn các nhà sản xuất xe Pháp và Ý lại có nhiều cản trở chính trị hơn để thoát ra so với Ford và GM.
Warburton nói ông nhìn nhận một ngày nào đó châu Âu không còn là một trung tâm sản xuất cho GM và Ford. Trong khi đó Arndt Ellinghorst, trưởng bộ phận nghiên cứu xe hơi của Credit Suisse ở London, nói Ford và GM vẫn rất cần những cơ sở sản xuất tại châu Âu của họ.
Ford_B-MAX được sản xuất tại nhà máy ở Romania
Arndt Ellinghorst coi những cơ sở này như xương sống cho cả GM và Ford. Ông cũng đặt câu hỏi rằng: Ford và GM sẽ ngừng “chảy máu” từ việc bán xe ở châu Âu như thế nào?
Như hầu hết các nhãn hiệu khác ở châu Âu, GM và Ford đang chịu thiệt hại do cuộc khủng hoảng nợ công đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, hủy hoại niềm tin tiêu dùng và ngăn cản người châu Âu bước chân vào các showroom. Những chiếc xe đang được bán với những khoản giảm giá nhiều hơn lợi nhuận.
Ford hy vọng sẽ gói gọn khoản lỗ cả năm ở châu Âu khoảng 500-600 triệu USD, so với 27 triệu USD thua lỗ năm ngoái. GM châu Âu, bao gồm cả Opel/Vauxhall cũng như những chiếc Chevrolet được nhập từ Hàn Quốc, không đưa ra dự báo cho cả năm. Trong quý I/2012, GM thông báo đã lỗ 256 triệu USD tại châu Âu mặc dù cùng kỳ năm ngoái nhà sản xuất này lãi khiêm tốn 7 triệu USD.
Ford và GM đều nằm trong top 5 về lượng xe tiêu thụ nhưng mỗi nhà sản xuất lại đang đối mặt với những thử thách rất khác nhau.
Một nhà máy là quá nhiều đối với Ford
Ford châu Âu đã trải qua một đợt tái cơ cấu triệt để trong một thập kỷ qua và các hoạt động ở châu Âu có thể đã sinh lãi trong 8 năm gần đây. Tuy nhiên, Ford thấy mình không đủ nguồn cung khi thị trường châu Âu đạt mức đỉnh gần 16 triệu chiếc năm 2007. Để bổ sung thêm lượng thiếu hụt, Ford đã mua lại nhà máy của Daewoo ở Romania năm 2008.
Nhà máy này đang bắt đầu sản xuất chiếc B-Max trong đúng thời điểm khó khăn nhất. Lượng xe bán ra tại châu Âu sẽ chỉ còn khoảng 12,5 triệu chiếc/năm, giảm 22% so với mức đỉnh năm 2007. Nay nhà máy này sẽ tạo ra thêm 300.000 chiếc xe nữa ra thị trường nếu được vận hành hết công suất.
Để đối phó với sức mua sụt giảm, Ford buộc phải điều tiết sản xuất tại các nhà máy ở Đức và Bỉ với hy vọng giảm sản lượng xe trong quý II/2012 khoảng 65.000 chiếc.
Tái cơ cấu hơn nữa đối với Opel
Đối với GM, châu Âu như một căn bệnh kinh niên khi tổng thua lỗ của nhà sản xuất này đã vượt 16 tỷ USD kể từ năm 1999, bao gồm 747 triệu USD thua lỗ trong năm 2011.
Tháng 2/2012, GM đã thiết lập một liên minh với PSA/Peugeot-Citroen để cắt giảm chi phí phát triển những mẫu xe mới tại châu Âu. Nhưng những biện pháp tiết kiệm này không có tác dụng cho nhiều năm và GM buộc phải tiến hành tái cơ cấu toàn diện Opel/Vauxhall trong thời gian 2 năm. Opel đã cắt giảm 8.300 việc làm ở châu Âu và đóng cửa nhà máy ở Bỉ.
Tuy nhiên, GM cũng khó lòng thực hiện những kế hoạch sa thải công nhân và đóng cửa nhà máy ở châu Âu bởi vì những thỏa thuận với công đoàn ngăn cản hãng làm điều này trước năm 2014. Theo tính toán, GM có thể tiêu tốn 1 tỷ euro để đóng cửa nhà máy của Opel ở Bochum.
Châu Âu đang là điểm rắc rối lớn nhất trong đế chế toàn cầu của GM và Ford và có thể ngăn cản cả hai công ty duy trì những thành công hiện tại của họ.
Việc chấm dứt sản xuất và bán xe tại châu Âu có thể giải quyết được những vấn đề tài chính Ford và GM nhưng nó sẽ thổi bay hình ảnh thương hiệu của cả hai ra khỏi khu vực này. Trong nhiều thập kỷ, “chế tạo xe ở nơi bạn bán” đã trở thành câu thần chú của các nhà sản xuất xe hơi. Nhưng nếu không có một thị trường đủ lớn cho bạn làm xe có lãi, những quyết định táo bạo cần phải được đưa ra nhanh chóng.