GM đầu tư vào thị trường Nga để cứu thua lỗ ở châu Âu
GM tăng thêm đầu tư vào Nga với hy vọng rằng thị trường đang tăng trưởng vững chắc này sẽ giúp công ty cứu vãn thua lỗ đang ngày một trầm trọng ở châu Âu.
GM đã lãm lễ động thổ để mở rộng một nhà máy của hãng ở St. Petersburg, Nga với mục tiêu nâng tổng sản lượng của hãng hàng năm từ mức 98.000 lên đến 230.000 chiếc cho tới năm 2015. Cùng với đó lượng công nhân tại nhà máy này cũng đã được tăng thêm 60% lên 4000 người.
Nhà máy ở St. Petersburg sẽ chế tạo chiếc Opel Astra cùng những mẫu xe Chevrolet trong nỗ lực của GM nhằm tìm kiếm giải pháp giải cứu bộ phận châu Âu đang thua lỗ bằng cách tăng đầu tư cho thị trường xe hơi Nga nhiều tiềm năng phát triển.
“Chúng tôi đã mang tới thị trường này những sản phẩm tốt nhất”, CEO của GM Dan Akerson đã nói trong một cuộc phỏng vấn giữa tháng 6.
Hiện tại GM đang giới thiệu 12 mẫu xe mới tại Nga sau khi tổng lượng tiêu thụ năm ngoái của Chevrolet, Opel và Cadillac tại đất nước này tăng 53% lên tới 244.000 chiếc. Nhà sản xuất Detroit này đang ra sức giành giật miếng bánh tại Nga trước bối cảnh nhu cầu tại châu Âu đóng băng với lượng tiêu thụ xe giảm năm thứ 5 liên tiếp. Tình hình của GM xem ra tồi tệ hơn các đối thủ khác khi hãng đã lỗ tới 16,4 tỷ USD kể từ năm 1999. Quý I năm nay, GM cũng đã công bố khoản thua lỗ sơ bộ 256 triệu USD.
Nước Nga cũng đang là cứu cánh cho nhãn hiệu Opel với 5 mẫu xe mới sẽ được bán tại đây. Quy mô của thị trường Nga đã đạt 2,9 triệu chiếc năm 2008 trước khi giảm xuống 1,5 triệu chiếc năm 2009, theo số liệu của công ty phân tích tài chính PricewaterhouseCoopers LLP. Lượng tiêu thụ xe hơi tại Nga đã tăng tới 39% lên 2,65 triệu chiếc năm ngoái và rất nhiều chuyên gia cho rằng nó sẽ đạt hơn 3 triệu chiếc trong năm nay.
GM tự tin tuyên bố rằng họ “đang bán 300.000 xe năm nay tại Nga” và muốn chiếm 10% thị phần sau khi đã nắm giữ 9% vào năm ngoái. Lượng tiêu thụ của Opel tăng mạnh ở Nga có thể sẽ là sự giúp đỡ trong ngắn hạn cho GM khi nhà sản xuất này đang tìm kiếm sự giải cứu có tính chất lâu dài hơn cho bộ phận châu Âu kém hiệu quả. Chính ông Dan Akerson cũng nhấn mạnh rằng: “chúng tôi đang kiếm tiền tốt ở Nga với Opel” mặc dù nhà máy Bochum ở Đức của nhãn hiệu này sắp bị đóng cửa.
GM cũng đang đối mặt với áp lực cạnh tranh đang tăng lên từ các đối thủ khác tại Nga. Trong khi Chevrolet là nhãn hiệu nước ngoài bán chạy nhất tại đây năm ngoái với lượng tiêu thụ tăng 49% lên 173.484 chiếc, doanh số của hãng đã sụt giảm và xếp sau Renault tính tới hết tháng 5/2012.
Liên minh Nissan Renault đã công bố những kế hoạch kiểm soát gần như toàn bộ nhà sản xuất xe hơi lớn nhất Nga, AvtoVAZ. Mặt khác, VW và Ford đã tích cực đầu tư tăng sản lượng ở Nga để hưởng chính sách ưu đãi về thuế của chính phủ Nga nhằm hấp dẫn các khoản đầu tư nước ngoài. Theo đó các nhà sản xuất được nhập khẩu linh kiện với mức thuế từ 0 đến 3% đối với các hợp đồng chế tạo ít nhất 300.000 xe một năm tại Nga.
PricewaterhouseCoopers ước tính thị trường xe hơi tại Nga, được thúc đẩy bởi các điều kiện kinh tế với sự hỗ trợ từ ngành công nghiệp dầu khí, sẽ tăng 7% trong năm 2012 và sẽ đạt hơn 3 triệu xe trong tương lai rất gần. Nga sẽ trở thành thị trường lớn thứ hai ở châu Âu sau Đức. Đây đang là chỗ dựa cho GM và các nhà sản xuất xe hơi khác trong bối cảnh khủng hoảng nhu cầu tại khu vực châu Âu.