Ford "lấy lại" thương hiệu nhờ được Moody nâng hạng

Sau Fitch Ratings, đến lượt Moody’s Investors Service nâng mức xếp hạng tín dụng cho Ford Motor hôm nay, 23/5. Đồng nghĩa với việc hãng xe Mỹ không cần mang thương hiệu cùng các tài sản khác ra làm vật thế chấp cho các khoản vay.

Năm 2006, Ford đã thế chấp hầu hết các tài sản của mình, bao gồm cả thương hiệu Oval xanh để đổi lại một khoản vay trị giá 23,5 tỷ USD, nhằm tái thiết lại tập đoàn khi đó đang rệu rã. Khi ấy, Ford đã bị chỉ trích là đã đặt cược cả “cả sinh mạng” công ty, cùng với nhiều dòng xe nổi tiếng như Mustang hay F-150, chỉ để chất thêm gánh nặng nợ nần. Nhưng cuối cùng, các khoản vay đó đã trở thành cứu tinh giúp Ford không cần nhờ tới trợ giúp của Chính phủ Mỹ để thoát khỏi cảnh phá sản như GM hay Chrysler.
 
Chiếu theo điều khoản khi vay, mọi tài sản thế chấp sẽ được “tháo xiềng” khi hai trong “tam đại gia” xếp hạng tín nhiệm quyết định đưa Ford trở lại mức xếp hạng đầu tư. Tháng 4, Fitch Ratings đã nâng mức tín nhiệm của Ford từ BB+ lên BBB-, và nay đến lượt Moody’s đưa ra động thái tương tự. Nhờ đó mà Ford được nâng từ hạng Ba2 (nhiều khả năng có thể trả được nợ, có những rủi ro đang tồn tại) lên Baa3 (đủ khả năng trả nợ, tương đương với mức BBB- của Standard & Poor và Fitch), còn chi nhánh Ford Credit (nơi cung cấp các khoản vay cho khách hàng và đại lý, một bộ phận nằm trong tập đoàn Ford Motor Co.) từ Ba1 lên Baa3.
 
 
“Khi thế chấp thương hiệu Blue Oval, chúng tôi không chỉ đặt cược một tài sản mà là cả một di sản”, Bill Ford, “Đây là một trong những ngày đẹp nhất đời tôi”.
 
Động thái này của Moody’s đã đưa Ford tiến lên bậc thấp nhất của điểm đầu tư, giải phóng các tài sản quan trọng của Ford khỏi sự ràng buộc của sợi dây thế chấp và đạt mức lãi suất thấp hơn cho khoản vay mới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc dù cho công ty có vỡ nợ, Blue Oval sẽ không bị tịch thu. Để so sánh, một ngày trước đó Moody’s đã đánh giá GM, hãng xe lớn nhất thế giới năm 2011, vẫn ở mức Ba1, cấp độ bên dưới mức đầu tư. 
 
Có được kết quả như vậy có thể ghi nhận từ sự nỗ lực của cả tập đoàn cùng bước đi sáng suốt của Alan Mulally, người do chính Bill Ford đưa về thay thế vị trí CEO của mình. Dưới sự điều hành của Mulally, tranh thủ thời gian thị trường không mấy sáng sủa và đối thủ cũng đang gặp nhiều rắc rối, Ford đã tiến hành cơ cấu lại hợp đồng lao động, đóng cửa các đại lý không mang lại lợi nhuận và đầu tư mạnh tay cho các sản phẩm và công nghệ mới. Năm 2011 đã trở thành năm thứ ba lợi nhuận kinh doanh được cải thiện và giảm đi hơn 20 tỷ USD tiền nợ kể từ năm 2009. Tháng 9/2011 hãng thanh toán xong nợ và tháng 3 năm nay, lần đầu tiên trả được cổ tức cho các cổ đông trong gần 6 năm qua. Quý đầu tiên của năm Ford thông báo lợi nhuận của hãng đạt 1,4 tỷ USD, tỷ suất lợi nhuận đạt 11%, cao nhất trong khu vực Bắc Mỹ.
 
Moody’s cho hay những nỗ lực tái cơ cấu đã giúp công ty sản xuất xe này bước ra khỏi “vũng bùn”. Và rằng điểm mạnh của Ford là giảm điểm hoàn vốn tối thiểu tại thị trường Mỹ từ mức 3,4 triệu xe xuống còn 1,8 triệu xe.
 
Trước khi Moody’s công bố, cổ phiếu của Ford đã có sự sụt giảm khi xuống còn 10,19 USD/cổ phiếu so với mức giá 18 SUD/cổ phiếu đầu năm 2011. Dẫu vậy, trong lúc này, không gì có thể sánh được với niềm vui giữ lại được Blue Oval. Bill Ford, chắt của người đã sáng lập ra công ty, Henry Ford, đã hào hứng đến độ thông báo cho toàn thể nhân viên tin vui này qua hệ thống phát thanh vốn chỉ dành riêng cho các trường hợp đặc biệt khẩn cấp. Còn đội ngũ lãnh đạo thì lên kế hoạch chụp ảnh tập thể với toàn bộ nhân viên công ty ngay trước trụ sở chính.
 
Mulally nhận định bước ngoặt này chính là “một bằng chứng rõ ràng rằng cho việc tập trung vào kế hoạch One Ford, đội ngũ của Ford có thể mang đến các sản phẩm tuyệt vời, xây dựng nên một ngành kinh doanh vững mạnh và đóng góp cho một thế giới tốt hơn thậm chí cả trong những điều kiện đầy khó khăn thách thức nhất.”
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn