DN xăng dầu ỷ vào Nghị định 84 để trì hoãn giảm giá
Trong 10 ngày gần đây, giá xăng dầu thế giới đã giảm mạnh. Xăng A92 tại Singapore xuống tới 111- 113 USD/thùng, diesel cũng chỉ còn 122 USD/thùng. Tính theo giá bán lẻ trong nước hiện nay, xăng A92 đã lãi tới hơn 650 đồng/lít và diesel lãi hơn 700 đồng/lít. Như vậy, hiện nay giá xăng dầu trong nước đã có thể giảm đáng kể, nhưng quy định tính giá bình quân 30 ngày đã khiến các DN đầu mối trì hoãn giảm giá.
Bởi vì theo đúng công thức tính giá của Nghị định 84, với giá bình quân 30 ngày theo thị trường Singapore thì cả diesel và dầu hỏa đều có giá bình quân khoảng 125 USD/thùng, xăng khoảng 116 USD/thùng, madut khoảng 614 USD/tấn. Như vậy, tính tới 16/12, DN đầu mối vẫn lỗ 55,71 đồng/lít xăng, lãi 167,87 đồng/lít diesel, lãi 29,46 đồng/lít dầu hoả và lãi mạnh nhất là 291,11 đồng/kg dầu mazut.
Khoản phí được cho là thường có sự vênh nhau giữa cách tính của Liên Bộ Tài chính - Công Thương và DN đầu mối là phí bảo hiểm cùng cước vận chuyển về Việt Nam đã áp dụng mức thấp nhất là 2,5 USD/thùng. Khoản phí kinh doanh theo định mức vẫn ở mức qus thấp là 600 đồng/lít cho xăng, dầu hỏa, dầu diesel và 400 đồng/kg mazut.
Trong khi hiện nay thù lao đại lý xăng dầu ở phía Nam đã lên tới 800 - 900 đồng/lít, vượt xa giới hạn của bộ Tài chính.
Vì lý do này, cả SaigonPetro và Petrolimex đều khẳng định chưa thể giảm giá bán lẻ xăng dầu.
|
Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Petrolimex giải thích, dư luận có thể cho rằng công thức tính giá đã bao gồm 300 đồng/lít lợi nhuận định mức nên nếu trừ đi mức lỗ 55 đồng/lít (đã tính ra ở trên), DN vẫn còn lãi tới 250 đồng/lít xăng. Tuy nhiên, trong công thức tính giá theo Nghị định 84 còn tồn tại một khoản đã lỗi thời là định mức chi phí kinh doanh 600 đồng/lít ban hành từ năm 2009 đến nay, chính các bộ ngành đã phải thừa nhận là thấp, không đủ trang trải cho hoạt động của DN. Nếu tính theo định mức khoảng 860 đồng/lít mà Liên bộ này từng dự kiến thì DN vẫn lỗ ít nhất 260 đồng/lít.
Mới đây, SaigonPetro đã kiến nghị Bộ Công Thương giảm thời gian tính giá cơ sở trung bình từ 30 ngày xuống 10 ngày. Theo DN này, biên độ tăng giảm giá xăng dầu thế giới rất cao nhưng vì tính giá cơ sở bình quân theo chu kỳ 30 ngày nên không theo sát được với giá thị trường thế giới, gây nên nhiều bất cập.
Tuy nhiên, ông Bảo lại có quan điểm khác: “Tính giá xăng dầu theo bình quân 30, 20 hay 10 ngày không phải là mấu chốt vấn đề. Lỗi ở đây là do điều hành chứ không phải do công thức tính giá. Vì cách điều hành hiện nay nên việc tính giá xăng dầu theo thị trường đang bị méo mó”. Ông Bảo nhấn mạnh “Vấn đề là cơ quan Nhà nước muốn mục tiêu gì ở thị trường xăng dầu?”
Ông Bảo phân tích thêm, đặc thù ở Việt Nam, giá xăng dầu trong nước không chỉ phụ thuộc vào giá thế giới mà còn phụ thuộc vào động thái điều hành thuế và Quỹ bình ổn. Tuy gọi là công thức tính giá theo thị trường nhưng có quá nhiều biến số mà bản thân DN không chủ động được. Chẳng hạn, khi giá thế giới tăng, Nhà nước lại giảm thuế, xả Quỹ nên DN cũng không thể tăng giá theo đúng nhịp thế giới. Còn khi giá thế giới giảm, Nhà nước luôn hồi phục nguồn thu cho ngân sách bằng việc tăng thuế, tăng trích Quỹ nên DN cũng không thể giảm giá theo đúng biên độ giao động của giá thế giới.
Theo ông Bảo, thời gian qua Nghị định 84 hầu như không vận hành đầy đủ, việc điều chỉnh giá theo thị trường do DN chủ động ít khi được thực hiện, Nhà nước can thiệp là chủ đạo. Bản chất, cơ chế kinh doanh theo Nghị định này mới chỉ là bước tiệm cận theo thị trường chứ chưa phải là thị trường hóa thực sự.
Liên quan đến việc sửa Nghị định 84 để giá xăng dầu trong nước bám sát giá thế giới, ông Trần Ngọc Năm - Phó tổng Giám đốc Petrolimex cho rằng, nên sửa quy định về thời gian dự trữ lưu thông bắt buộc từ 30 ngày hiện tại xuống 20 ngày. Bởi theo ông, hiện nhà máy lọc dầu Dung Quất có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhìn nhận, trong bối cảnh giá thế giới liên tục giảm, nhưng xăng dầu trong nước vẫn đủng đỉnh không điều chỉnh là chưa phù hợp với quy luật thị trường. Mấu chốt, theo ông Doanh là phải sửa đổi Nghị định 84, vấn đề được bàn rất nhiều lần nhưng chưa được "chốt".