“Điểm mù” trong quy định của Mỹ không cho phép xóa điểm mù gương xe
Điểm mù đối với tầm nhìn qua gương xe hơi thực sự đáng sợ, gần như lái xe phải đánh cược với số phận, ngay cả khi đã lắp gương cầu lồi. Và nếu không có những thiết bị như camera hiện đại ở xe sang, luôn luôn phải canh chừng. Nhưng mới đây, giáo sư Đại học Drexel, Tiến sĩ Andrew Hicks, đã phát minh một loại gương chiếu hậu mới có thể mở rộng trung thực hết mức tầm nhìn. Tuy nhiên do đặc điểm kỹ thuật, mà gương này lại vướng phải một “điểm mù” trong luật giao thông Mỹ.
Vì gương hậu thông thường của ô tô là dạng gương phẳng truyền thống nên chỉ soi được góc chiếu hẹp từ 15 đến 17 độ. Không thể trông thấy một phần bị khuất bên hông ở đuôi xe. Còn nếu dùng gương cầu lồi thì hình ảnh cũng bị méo mó, mọi đường thẳng đều biến thành đường cong, khoảng cách thật bị sai lệch cũng không cung cấp cho tài xế hình ảnh trung thực để căn xe. Với kỹ thuật quang học mới, gương của tiến sỹ Andrew Hicks khắc phục được cả 2 nhược điểm của cả 2 loại gương kể trên. Phát minh này của ông cũng đã được cấp bằng sáng chế.
Tầm nhìn qua gương của Hicks vẫn giữ được hình ảnh trung thực, không biến dạng. Mà góc nhìn lại được mở rộng tới 45 độ. Khiến cho lái xe có thể quan sát gần như hoàn toàn mọi thứ đang xảy ra xung quanh chiếc xe của họ ở hai bên.
Về bản chất loại gương này vẫn áp dụng nguyên lý quang học phản chiếu ánh sáng. Nhưng nếu gương cầu lồi bình thường chỉ có một độ cong duy nhất thì kiểu gương cầu lồi của Hicks có vô số độ cong, hay nói đúng là nó có rất nhiều gương cầu lồi nhỏ ghép lại trên một bề mặt gương. Tuy nhiên để không làm cho hình ảnh bị biến dạng do độ cong của gương, tiến sỹ Hicks đã sử dụng một thuật toán phức tạp liên quan đến hàng chục hàng ngàn phép tính, nhằm xác định cách tốt nhất để xếp các gương “con” lên vị trí bề mặt của gương để kiểm soát các góc độ ánh sáng phản xạ khỏi nó trở về dạng tự nhiên như gương phẳng.
Có thể nói phát minh này thật sự hữu ích và tiện dụng, nhưng oái ăm thay, mặc dù việc sử dụng gương Hicks có thể giảm thiểu tai nạn thì hiện tại Mỹ lại đang tồn tại quy định không cho phép dùng gương lồi gắn trên xe ô tô trong nước. Xe hơi lưu hành ở Mỹ buộc phải lắp gương phẳng bên lái. Trừ 1 gương cong có thể trang bị phía bên phụ kèm theo lời cảnh báo "Các đối tượng trong gương luôn gần hơn so với hình ảnh quan sát". Bởi vậy, trừ khi luật pháp Mỹ thay đổi, chiếc gương độc đáo của Hicks mới có thể sử dụng tại Mỹ.
Có lẽ người châu Âu sẽ được hưởng lợi đầu tiên từ phát minh này khi các nhà sản xuất phụ tùng xe hơi đang liên tục đệ đơn xin cấp phép ứng dụng công nghệ mới để sản xuất kiểu gương Hicks.