Dân Indonesia phản đối vì bị chính phủ hạn chế mua ôtô

Hãy để họ đi bộ! Đó là một kế hoạch mới đây của chính phủ Indonesia nhằm ngăn chặn dân chúng đang “nô nức” mua sắm ôtô và xe máy. Biện pháp này chủ yếu để đối phó với hai vấn đề đang nổi cộm là nạn kẹt xe trầm trọng và nguy cơ nổ “bong bóng” tín dụng vì đã quá dễ dãi cho vay trong cơn sốt tiêu dùng vài năm nay.

Thoạt nhìn thì tình hình ở Indonesia có vẻ giống với Việt Nam: cũng đều muốn hạn chế xe cộ để đường xá thông thoáng hơn. Tuy nhiên, sự so sánh sẽ rất khập khiễng vì thị trường 2 nước ở các mức quy mô khác nhau. Trong khi Việt Nam chật vật mãi chưa đạt đến con số 200 nghìn xe/năm thì ở Indo mức tiêu thụ trong các năm 2010 và 2011 đều xấp xỉ 900 nghìn xe. Riêng trong quý đầu của năm 2012 lại tăng tiếp 11% so với cùng thời kỳ năm ngoái, bất chấp kinh tế toàn cầu đang u ám.
 
 
Tuy nhiên, Việt Nam cũng có thể rút kinh nghiệm từ bài học của Indonesia. Vừa tạo điều kiện cho các nhà sản xuất mở rộng tối đa năng lực, vừa thúc đẩy tiêu dùng ôtô để mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách. Bên cạnh đó, dùng chính số tiền này đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho sự phát triển nói trên. Thay vì sai lầm như hiện nay, để mặc cho các nhóm lợi ích thao túng, khiến cho giá xe vừa đắt, vừa đóng góp cho ngân sách chẳng đáng là bao.
 
Trở lại với số liệu của thị trường xe hơi Indonesia đang cho thấy mức tăng trưởng còn nhanh hơn và lớn hơn cả với Trung Quốc, nước có mức tăng là 2,6% trong các năm 2010 và 2011. Dân Indonesia đang cho thấy họ mua sắm nhiều xe hơi hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác. Họ đã vượt qua Thái Lan năm ngoái. Họ cũng đã tiêu thụ lượng xe máy đến 8 triệu chiếc năm 2011. Con số này có thể tăng lên đến 9 triệu năm nay, tức là hơn gấp 2 lần năng lực sản xuất xe máy ở Việt Nam. Kết quả là hiện Indonesia cũng bắt đầu đối mặt với nạn tắc đường khủng khiếp, trong khi doanh số bán xe vẫn tiếp tục tăng vùn vụt. Không kể nguy cơ về tín dụng.
 
Các nhà sản xuất ôtô đang dốc hết sức mình trong cơn “quay cuồng” tại đây. Suzuki, Toyota, Nissan, Honda, GM, Daihatsu và BMW đều bung hết sức trong các hoạt động mở rộng đầu tư ở Indonesia. Từ đầu năm 2011 đến nay, 7 công ty trên đã công bố đầu tư khoản tiền kỷ lục vào Indonesia với tổng cộng là 2,2 tỷ đô la Mỹ. Ông Michael Dunne - chuyên gia kinh tế, tác giả của cuốn  “Xe Mỹ, Đường Trung Hoa, Câu chuyện của General Motors tại Trung Quốc” cũng đã nhắc rằng: tại châu Á, Indonesia và Trung Quốc là hai thị trường nóng nhất.
 
Điều này tưởng chừng là dấu hiệu đầy phấn khởi với nền kinh tế Indonesia, nhưng thực tế lại gây nên mối lo ngại lớn với chính phủ. Nguyên nhân cơ bản, chính là vấn đề tín dụng quá dễ dãi trong hơn một năm qua đã khiến tạo nên “cơn sốt” mua sắm, trong đó có ôtô. Chính quyền đã bắt đầu nhận ra nguy cơ bất ổn từ quả “bong bóng” này.
 
Biện pháp đầu tiên đã được  đưa ra, từ ngày 15/6, chính thức ngân hàng trung ương Indonesia cho biết sẽ yêu cầu những người vay tiền từ ngân hàng mua ôtô phải trả trước tối thiểu là 30% giá trị chiếc xe. Đối với xe máy, con số này sẽ là 25%. Vay mua nhà cũng sẽ phải thực hiện một khoản tiền gửi ký quỹ tối thiểu là 30%. Các quy định mới này nhằm ngăn chặn khả năng một vụ “bong bóng” tín dụng tiêu dùng sẽ nổ ra nếu cứ tiếp tục giữ mức trả trước 10% khi vay mua xe như trước đây.
 
Thực tế này không phải là chuyện thổi phồng. Bởi gần đây theo báo cáo từ các nhà sản xuất ôtô, có tới 65% doanh số bán ôtô mới là qua các hợp đồng mua xe trả góp. Trong ước tính của ông Michael Dunne, với các hồ sơ mua xe máy, con số vay nợ có thể còn cao hơn. Nguyên nhân đơn giản vì khi kinh tế bùng nổ, rất nhiều người cần sắm xe mới để đáp ứng nhu cầu. Trong khi khả năng vận chuyển công cộng ở Indonesia thì vẫn còn ở tình trạng chắp vá.
 
Việc nâng mức trả trước lên 30% sẽ  khiến nhiều người không thể đủ khả năng mua sắm nữa. Trước quy định mới của ngân hàng. Ông Jongkie Sugiarto, đại diện cho Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Indonesia, đã kêu gọi ngân hàng trung ương cần xem xét lại. "Nếu không, thị trường sẽ sụp đổ", ông này tuyên bố.
 
Vấn đề “tréo ngoe” giữa nhu cầu, kinh doanh và nguy cơ bất ổn xã  hội này đang gây nhiều tranh cãi. Một số người Indonesia bày tỏ sẽ không hề thấy phiền với quy định mới. Họ đổ lỗi cho các nhà sản xuất ôtô vì lợi nhuận mà gây nên cảnh ùn tắc giao thông ở Jakarta. Bởi thực tế số lượng xe ôtô đã tăng lên gấp 10 lần chỉ vài năm qua và còn tăng tiếp khắp những con đường trong thành phố. Các quan chức thành phố từ năm 2009 đã dự đoán rằng thủ đô Indonesia có thể sẽ đối mặt với sự tắc nghẽn hoàn toàn vào năm 2014. Một số người muốn mua xe lại bực bội vì chính sách khắt khe của ngân hàng. Đặc biệt là về vấn đề không minh bạch và rõ ràng trong truyền thông, khiến cho người dân “trở tay” không kịp.
 
Còn theo ông Sugiarto, đại diện văn phòng Thống đốc Jakarta, đã đưa ra đề nghị với các nhà sản xuất ôtô hãy giải quyết vấn đề này bằng cách cắt giảm bớt sản lượng xe. Đây đúng là một đề nghị ngây thơ mà chỉ những nhân viên chuyên ngồi bàn giấy và chẳng chịu ảnh hưởng nào từ các luật và lệ mới có thể nghĩ ra. Lý luận của ông này là, ai đã mua ôtô sẽ không bị ảnh hưởng, còn ai chưa có xe có thể đợi tới khi khi Indonesia xây dựng thêm nhiều đường sá.
 
Cũng khá giống với nhiều quan chức ở Việt Nam.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn