Các công ty Nhật Bản cắt giảm đầu tư tại Trung Quốc

Lo ngại trước những cuộc biểu tình trong tương lai tại Trung Quốc, một số công ty Nhật Bản đã cắt giảm đầu tư ở nước này. Đây là một cơ hội tốt cho các nước trong khu vực Đông Nam Á khi dòng tiền đầu tư đang chuyển hướng ra khỏi Trung Quốc.

Sau khi những người biểu tình quá khích đập phá xe và phóng hỏa nhà xưởng sản xuất, Koito, một nhà cung cấp của Toyota đã quyết định dừng dự án xây dựng nhà máy ở Trung Quốc bất kể nó đang sắp hoàn thành.
 
Shinji Karasawa, người phát ngôn của Koito - hãng sản xuất đèn pha có trụ sở ở Tokyo - cho biết: “Nhu cầu của thị trường Trung Quốc đối với xe Nhật đang giảm mạnh và sẽ khó lường trước trong tương lai cho nên Koito cũng chưa xác định được khi nào sẽ khởi động lại dự án xây dựng nhà máy”.
 
Cùng với Koito, các nhà sản xuất linh kiện khác của Nhật Bản bao gồm Sumitomo và Toyo đang xem xét lại các kế hoạch mở rộng tại Trung Quốc. Trong khi đó, lượng tiêu thụ xe hơi của Toyota tại thị trường này đã giảm tới 44% trong tháng 10 sau khi đã giảm 49% trong tháng 9. Tình hình của Honda và Nissan cũng tồi tệ không kém.
 
Các nhà sản xuất phụ tùng đang tập trung mở rộng sản xuất ở Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Indonesia và Campuchia. Đây là một dấu hiệu cho thấy các khoản đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc có thể giảm sâu hơn trong năm tới. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Trung Quốc đã giảm 6,8% vào tháng 9 – đây là lần giảm thứ 10 trong 11 tháng, theo dữ liệu tổng hợp của Bloomberg.
 
So sánh với thời điểm năm ngoái, đầu tư trực tiếp bởi các công ty Nhật tại Trung Quốc đã tăng 74% lên 12,6 tỷ USD, khiến Nhật trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất ở Trung Quốc. Lo ngại trước những căng thẳng có thể xảy ra trong tương lai liên quan đến tranh chấp lãnh hải, các công ty Nhật một mặt cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu một mặt cũng xem xét lại những khoản đầu tư tương lai.
 
Mamoru Shimada, chủ tịch công ty sản xuất các linh kiện chính xác Fuserashi, đã hủy chuyến thăm Trung Quốc sau những cuộc biểu tình chống Nhật. Thay vào đó ông đã thăm Malaysia và Indonesia, tìm kiếm cơ hội đầu tư và mở rộng sản xuất ở các nước này như một kênh dự phòng. Cùng với đó cả Toyota và Isuzu cũng vừa tăng vốn đầu tư vào các nhà máy ở Thái Lan.
 
Tuy nhiên việc cùng nhau rời khỏi Trung Quốc hoàn toàn không được đề cấp trước đó như một lựa chọn của các công ty Nhật Bản. Kenji Nakakura, Chủ tịch hãng lốp Toyo, nói rằng: “Trung Quốc vẫn rất quan trọng đối với chúng tôi nhưng khi cân nhắc tăng vốn đầu tư, chúng tôi có xu hướng muốn thực hiện ở các nước khác, như Malaysia”.
 
Các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản cũng như vậy, họ không có một lựa chọn nào vì thị trường Trung Quốc quá quan trọng. Các nhà sản xuất xe hơi chưa bao giờ nói sẽ rời Trung Quốc và nếu họ ở lại thì các nhà sản xuất phụ tùng cũng sẽ ở lại, một nhà phân tích xe hơi của công ty nghiên cứu thị trường Global Insight Inc., đã nói như vậy.
 
Do đó tất cả những kế hoạch đầu tư sắp tới của các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc đang được cân nhắc thận trọng. Dù bị tẩy chay nhưng Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng không thể bỏ qua. Lựa chọn có thể hiện nay đối với các công ty Nhật là tạo lập các trung tâm sản xuất vệ tinh xung quanh Trung Quốc để cấp những hàng hóa cần thiết cho thị trường này. Đây là cơ hội lớn cho các nước trong khu vực, đặc biệt những nước chung đường biên giới với Trung Quốc.
 
Việt Nam cũng đang đứng trước một cơ hội trở thành đích đến một khi các nhà sản xuất Nhật bản chuyển hướng chiến lược. Tuy nhiên có đón được dòng tiền này hay không thì phụ thuộc rất lớn vào cơ chế và chính sách khuyến khích đầu tư của các cơ quan chính phủ, chính quyền địa phương, nguồn nhân lực, sự minh bạch... Trong thời gian qua, Việt Nam đã mất điểm trong thu hút đầu tư nước ngoài, khiến nhiều nhà đầu tư đã chọn Indonesia, Thái Lan và Malaysia với các chính sách thuận lợi hơn.