Bộ Tài chính muốn tăng thuế ôtô nhập, doanh nghiệp lo khó bán xe
Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi quy định về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô nhập khẩu. Nếu đề xuất này được thông qua thì giá bán của ô tô nhập khẩu sẽ tăng lên khoảng 12%.
Theo Bộ Tài chính, đề xuất này dựa trên quan điểm của Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI) và một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp điều hòa cho rằng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với hàng nhập khẩu chưa đảm bảo công bằng với hàng sản xuất trong nước. Giá tính thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu không có chi phí bán hàng trong nước, lãi của các cơ sở kinh doanh nhập khẩu, đặc biệt là trước bối cảnh cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với mặt hàng này sẽ khiến hàng nhập khẩu càng có lợi thế cạnh tranh so với hàng sản xuất lắp ráp trong nước. Chính vì vậy, các tổ chức này đề nghị cần có những biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước và sửa đổi quy định về giá tính thuế TTĐB để đảm bảo công bằng.
Mặc dù khẳng định các quy định về cách tính TTĐB như hiện nay chưa phát sinh vướng mắc nhưng Bộ Tài chính cho rằng, qua tham khảo kinh nghiệm tại các nước có có quy định mặt hàng áp dụng TTĐB theo tỷ lệ % như ở Việt Nam thì việc thay đổi là cần thiết. Bộ đề xuất bổ sung quy định giá tính thuế TTĐB bao gồm cả chi phí bán hàng trong nước của nhà nhập khẩu thông qua việc thu thêm thuế TTĐB tại khâu nội địa khi nhà nhập khẩu ô tô bán ra.
Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được văn bản đề nghị cho ý kiến vào dự thảo, đại diện một số nhà nhập khẩu ô tô tại Việt Nam lại cho rằng, cách tính mới sẽ tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp.
Thời gian Bộ Tài chính dành cho các nhà nhập khẩu ô tô tại Việt Nam đóng góp ý kiến vào dự thảo chỉ vỏn vẹn trong một tuần. Trong văn bản hỏa tốc ký ngày 11/5/2015 gửi tới các doanh nghiệp liên quan, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị có ý kiến phản hồi trước ngày 20/5, để kịp trình Chính phủ trong tháng 6/2015.
Theo cách tính hiện nay, doanh nghiệp chỉ cần một khâu để hoàn tất thủ tục nộp thuế TTĐB bởi giá tính thuế TTĐB hiện hành chỉ dựa trên giá tính thuế nhập khẩu (là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên hay còn gọi là giá C.I.F) và thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, với cách tính mới, doanh nghiệp bị tăng thêm thủ tục do thuế TTĐB chỉ được tạm tính với mức như hiện tại tại thời điểm doanh nghiệp hoàn tất thủ tục nhập xe và tiếp tục bị truy thu thuế TTĐB trên số tiền thu được sau khi bán hàng (bán lẻ hoặc bán buôn) trừ đi khoản thuế tạm tính trước đó.
Ngoài ra, khi chính sách thay đổi, doanh nghiệp sẽ phải cấu trúc lại hoạt động để đảm bảo nguồn lợi và duy trì hệ thống. Nhưng để giữ được ổn định, không cách nào khác là phải tăng giá bán xe, điều đó đồng nghĩa với việc doanh số bán khó có thể đạt được như hiện tại.
Không chỉ các nhà nhập khẩu ô tô tại Việt Nam cảm thấy "khó xử" với đề xuất của Bộ Tài chính, đại diện của một doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô cũng thừa nhận khó khăn trong việc định hướng mô hình hoạt động nếu đề suất giá tính thuế TTĐB mới được thông qua.
Trên thực tế, trong danh mục sản phẩm của tất cả các nhà sản xuất và lắp ráp xe trong nước vẫn luôn xuất hiện những cái tên nhập khẩu nguyên chiếc. Bởi vậy, dù đang vận hành giá tính thuế TTĐB trên cơ sở giá thành sản xuất (hay giá vốn) cộng với chi phí bán hàng trong nước (chi phí quản lý, đóng gói, quảng cáo, trưng bày, vận chuyển, bảo hành,... nếu có) cộng với lãi của người nộp thuế, đối với xe sản xuất trong nước, nhưng các dòng xe nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng lớn về doanh số nếu áp dụng cách tính thuế TTĐB tương tự.
Theo cách tính thuế TTĐB như hiện tại, một chiếc xe nhập khẩu có giá khai báo (CIF) là 33.000 USD, sau khi đã tính các loại thuế phải nộp gồm thuế nhập khẩu, thuế TTĐB tính trên giá CIF và thuế giá trị gia tăng, thì giá thành chiếc xe sau thuế vào khoảng 100.000 USD. Cộng thêm chi phí vận chuyển, bán hàng,.... và lợi nhuận, giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng có thể lên đến 120.000 USD.
Nếu tính theo đề xuất mới về giá tính thuế TTĐB trên giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng thì thuế TTĐB đối với chiếc xe trên sẽ tăng thêm 10.000 USD kéo theo thuế giá trị gia tăng tăng 1.000 USD.
Trong trường hợp doanh nghiệp giữ nguyên giá bán lẻ thì chắc chắn bị ảnh hưởng đến lợi nhuận, chi phí vận hành. Như vậy, để tồn tại, doanh nghiệp kinh doanh xe nhập khẩu không còn cách nào khác là đẩy toàn bộ hoặc chia sẻ khoản thuế tăng thêm với người tiêu dùng bằng cách duy nhất là tăng giá xe.