Bây giờ thu ngay phí SDĐB, 10 năm nữa đường sá mới tốt!?
Ngày 19/12, trong hội nghị Tập huấn chương trình thu phí sử dụng đường bộ (SDĐB) tại Tp.HCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết toàn bộ phí thu từ xe máy sẽ để lại cho địa phương sửa chữa đường sá. Sau 3-6 tháng thu phí, Bộ GTVT sẽ có đề xuất sửa đổi theo tình hình thực tế. Ông Trường khẳng định “Tin chắc rằng đường sá của ta nếu 1 năm chưa tốt thì 10 năm nữa cũng sẽ tốt”.
Chính niềm tin gồm “10 bậc từ chưa tốt đến tốt” mà ông Trường “phán” trong hội nghị đã khẳng định nghi ngờ về sự thất bại của chương trình thu phí SDĐB. Trong ngôn ngữ tiếng Việt, kiểu nói “không mười thì một” có nghĩa là chẳng kỳ vọng được gì cả.
Nhưng với sức ép từ ông “tư lệnh”, Bộ GTVT vẫn buộc phải khẩn trương triển khai các hoạt động để chuẩn bị thu phí SDĐB bắt đầu từ ngày 1/1/2013, bất chấp chương trình này còn quá nhiều điểm bất hợp lý, thiếu công bằng và khoa học. Dư luận nói chung và các doanh nghiệp vận tải có mặt trong hội nghị tập huấn đều nhận định ngành GTVT đang xuống dốc không phanh, đẩy giá cước vận tải hàng hóa đường bộ tại Việt Nam vào hàng đắt nhất thế giới. Nay xuất hiện thêm phí SDĐB, giá cước vận tải sẽ tăng ít nhất 7 - 10%. Một đại diện của Công ty Vận tải Công Thành (có mấy trăm đầu kéo và hàng nghìn rơ-moóc) nhẩm tính hàng năm DN này sẽ phải đóng hơn 8 tỷ đồng phí SDĐB. Doanh nhân này than thở: "Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, gồng thêm những khoản phí lớn như vậy sẽ làm doanh nghiệp thêm kiệt sức". Không riêng Vận tải Công Thành, tất cả các DN vận tải đều nhận định, dù đi theo cách nào thì chi phí vận tải cũng sẽ gia tăng và đổ lên đầu người sử dụng dịch vụ cuối.
Một số DN than thở rằng nếu thu phí SDĐB qua xăng dầu thì họ còn có thể đi đến đâu nộp tiền đến đó, dùng xe nào nộp tiền xe nấy, nay nộp phí trực tiếp qua đăng kiểm thì cứ đến kỳ khám xe là phải chi ngay một khoản tiền quá lớn. Vì vậy, đề nghị các quan trên xem xét cho nộp hàng tháng để giảm bớt áp lực vốn và lãi suất cho vay.
Tại hội nghị, đứng ra “chống đỡ” cùng Thứ trưởng Trường, phản ứng hời hợt và bao biện cho những điểm bất cập của chương trình thu phí SDĐB, đại diện Bộ Tài chính xoa dịu: "Trong thời gian triển khai thu phí 3 - 6 tháng đầu, nếu có những điểm chưa hợp lý, sẽ tiến hành nghiên cứu lại để có những thay đổi phù hợp với thực tiễn".
Như vậy, toàn xã hội và nền kinh tế sẽ lại phải chắt chiu, dốc sức, dồn tiền trả phí để các quan chức Tài chính và GTVT học cách điều hành công cuộc bảo trì hệ thống giao thông. Học phí thì đắt mà các ông lại có ý muốn được đào tạo tới 10 năm, thôi thì đành, chỉ hy vọng các ông thôi học sớm cho dân nhờ.