Tata Nano – Ô tô của người nghèo Kỳ 1: Vì sao siêu rẻ?

Kỳ vọng lượng xe bán được hàng năm vào khoảng 250.000, nhưng sau gần 4 năm ra mắt thị trường thì đến nay Tata cũng chỉ mới bán được khoảng 250.000 chiếc, và ngay tại Ấn Độ, doanh số của Nano cũng đang ngày càng suy giảm, cũng chỉ vì cái giá bán quá rẻ có được bằng cách đánh đổi những nhu cầu thiết yếu.

Ngành công nghiệp ô tô thế giới trong vài năm gần đây đã hình thành nên một cuộc chạy đua sản xuất xe siêu rẻ. Đầu tiên là phát súng của Tata Motors với mẫu Tata Nano rẻ tương đương một chiếc xe máy. Sau Tata, rất nhiều hãng xe khác cũng xây dựng các kế hoạch sản xuất xe siêu rẻ, chủ yếu dành cho các thị trường mới nổi, như Liên doanh Maruti Suzuki tháng 10 vừa qua cũng đã ra mắt chiếc Alto 800 mới với giá bán chỉ từ 4.600USD; ngay cả Nissan hồi đầu năm nay cũng cho biết họ sẽ phát triển một dòng xe nhỏ mang thương hiệu Datsun với giá bán khoảng 6.200 USD để giới thiệu tại thị trường các quốc gia đang phát triển vào năm 2014. Tuy nhiên, nhìn vào tình thế của Tata Nano hiện nay, nhiều hãng xe có thể đã giật mình tỉnh ngộ và nhận ra việc sản xuất các mẫu xe giá siêu rẻ bằng cách đánh đổi các trang bị thiết yếu là điều rất mạo hiểm.
 
Tata Nano - the next people's car.
 
Lý do Tata Nano siêu rẻ
Trong trường hợp của Tata Nano, rất nhiều người đặt ra câu hỏi rằng làm thế nào mà hãng xe Ấn Độ có thể sản xuất ra được những chiếc xe có giá bán dưới 3.000 USD? Bởi với số tiền này, để mua một số loại xe máy bình thường thôi đã là không đủ. Và với giá bán như vậy thì Tata Motors kiếm được bao nhiêu đồng tiền lời?
 
Sản xuất một chiếc ô tô không đơn giản như việc tạo ra những phương tiện như xe 2 bánh. Đơn cử, để hình thành nên một chiếc xe hơi, người ta phải cần tới cả tấn các loại nguyên vật liệu, chế tạo thành hàng nghìn linh kiện đơn lẻ, và tiêu tốn không ít giờ làm việc của công nhân trên dây chuyền lắp ráp. Vậy đâu là lý do khiến Tata Motors có thể bán Nano với giá dưới 3.000USD?
 
Đầu tiên hãy thử tìm hiểu cấu trúc của mẫu xe rẻ nhất thế giới này. Tata Nano có tổng khối lượng chỉ khoảng 600kg, và giá bán cho phiên bản tiêu chuẩn thấp nhất khoảng 142.000 Rupee (tương đương 2.600USD). Mẫu xe này nhẹ tất nhiên không phải vì các công nghệ… làm giảm khối lượng xe như sợi carbon. Thay vào đó nhà sản xuất đơn giản chỉ là cung cấp ra thị trường chiếc xe vừa nhỏ, vừa ít trang bị, tối thiểu và nghèo nàn nhất có thể. So với khối lượng trung bình của các mẫu xe Mỹ (1.879kg) mà Environmental Protection Agency (EPA) thống kê năm 2006, thì khối lượng của Tata Nano chưa bằng 1/3.
 
Giấc mơ của dân nghèo Ấn Độ
 
Nhỏ và nhẹ có nghĩa là nhà sản xuất chỉ cần sử dụng rất ít thép, ít các trang thiết bị nên cũng ít phải chế tạo các chi tiết, linh kiện phức tạp, vốn vừa làm tăng khối lượng vừa làm tăng giá thành. Cho tới nay, không có một phiên bản nào của Tata Nano được lắp túi khí, thậm chí để bỏ đồ đạc vào xe, người ta cũng không thể mở nắp ngăn hành lý thông thường phía sau, thay vào đó phải “trèo” vào trong xe, vì Tata Nano không có cửa hậu. Hệ thống điều hòa không khí chỉ có trên bản Nano CX, LX, với bản tiêu chuẩn thì khách hàng ở đất nước nóng như Ấn Độ cũng không thể đòi hỏi. Thậm chí trên các mẫu xe thông thường nhiều thứ vẫn tồn tại dưới dạng cặp, như gạt nước, gương chiếu hậu, thì Tata Nano chỉ có một chiếc (1 cần gạt nước, 1 gương chiếu hậu bên tài). Đến độ bu-lông bắt mâm bánh vào trục thường là 5 chiếc thì Nano chỉ có 3.
 
Chỉ liệt kê sơ bộ như vậy cũng đủ thấy Tata đã giảm được chi phí sản xuất nhiều như thế nào. Chỉ cần chế tạo thêm cho Nano chiếc cửa hậu, Tata buộc phải sản xuất thêm hàng loạt chi tiết như bản lề, gioăng cửa, tay nắm, lẫy khóa, và đặc biệt dây chuyền lắp ráp sẽ phức tạp hơn, tốn nhiều công hơn, khiến giá bán có thể đội lên rất đáng kể.
 
Nói về nhân công. Ngày nay không có gì là lạ khi các cánh tay rô-bốt và máy móc nói chung có thể đảm nhận rất nhiều tác vụ thay cho công nhân, tuy nhiên máy móc vẫn chưa thể quán xuyến toàn bộ các công việc trong quá trình sản xuất ra một chiếc ô tô, khá nhiều các công việc hiện vẫn đòi hỏi có bàn tay con người. Tại các quốc gia phát triển có ngành công nghiệp ô tô giàu mạnh như Đức, Mỹ, Nhật, công nhân ô tô được trả lương tương đối khá hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới, thậm chí khá hơn cả nhiều ngành công nghiệp khác ở chính các quốc gia này. Tuy nhiên, Ấn Độ là một nước đang phát triển, và nguồn lao động ở đây vẫn được xem là lao động giá rẻ. Thống kê năm 2010 cho thấy, công nhân ô tô ở Ấn Độ được trả lương trung bình 3,3USD/giờ, thuộc nhóm cao so với các ngành công nghiệp khác ở nước này. Trong khi đó, lao động của các hãng ô tô thuộc nhóm Big 3 tại Mỹ (gồm GM, Ford và Chrysler) được trả lương trung bình gần 30USD/giờ. Đây là một lý do rất quan trọng giúp Tata có thể sản xuất và bán Nano với giá dưới 3.000USD, một điều mà các hãng xe Mỹ gần như không thể làm được tại đất nước của họ.
 
Như vậy, Tata sản xuất được Nano và bán với giá dưới 3.000USD là nhờ cắt giảm tối đa các trang bị của xe, và nhờ lực lượng nhân công giá rẻ của Ấn Độ. Bên cạnh đó, Tata Group là một tập đoàn đa ngành, trong đó Tata Steel là hãng sản xuất thép tư nhân lớn nhất của Ấn Độ và đứng thứ 12 trên thế giới, đây là một lợi thế cạnh tranh rất lớn đối với Tata Motors, vì gần như họ đã sản xuất ô tô ngay từ quặng thép dưới lòng đất đào lên.
 
Kỳ 2: Giá rẻ phản tác dụng.