Phí trước bạ sẽ hạ chút ít, xe cá nhân hưởng “án treo”

Sáng 25/12, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa trình bày dự thảo nghị quyết của Chính phủ năm 2013. Trong bản dự thảo có phần đề cập đến việc không thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm lệ phí đăng ký mới ôtô dưới 10 chỗ về 10% (các địa phương được điều chỉnh tăng không quá 50% mức này), giảm lệ phí đăng ký ôtô từ lần thứ 2 về 2% áp dụng trên toàn quốc.

Ngay sau khi thông tin được công bố, dư luận báo chí tỏ ra khá hân hoan. Tuy nhiên, bên cạnh mức phí trước bạ giảm xuống 10% áp dụng chung với xe mới dưới 10 chỗ, bản dự thảo còn có thêm ý “Các địa phương được điều chỉnh tăng không quá 50% mức quy định chung”. Có nghĩa là với hầu hết các tỉnh thành, mức thu lệ phí đăng ký xe du lịch mới không nhất thiết phải thay đổi. Ví dụ, hiện nay Tp.HCM, Đà Lạt và một số tỉnh thành khác vẫn đang áp phí trước bạ 15% hoặc thấp hơn. Chỉ riêng Hà Nội sẽ buộc phải hạ mức thu hiện tại từ 20% xuống 15%.
 
Như vậy, mức giảm phí trước bạ (với ôtô mới dưới 10 chỗ) áp dụng chung trên toàn quốc chưa thực sự đáng kể so với hàng loạt quy định về thuế và phí quá cao hiện nay. Còn chưa biết phí cấp biển số có được giảm không. Đơn cử như ở Hà Nội, khoản thu này lên tới 20 triệu đồng!
 
Đối với các ôtô đăng ký lại hoặc sang tên đổi chủ, Chính phủ dự kiến giảm mức thu chung từ 10-12% xuống còn 2% là hợp lý. Việc này sẽ khơi thông các giao dịch hợp pháp trên thị trường ôtô cũ, tránh tình trạng đối phó bằng cách giữ nguyên đăng ký và làm giấy uỷ quyền sử dụng. Nếu thủ tục thay đổi đăng ký được cải cách cho nhanh gọn và đơn giản hơn nữa thì càng tốt.
 
Về nội dung "Không ban hành chính sách thực hiện việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện" thì vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Câu hỏi đặt ra là định hướng này sẽ tồn tại được bao lâu? Trong khi đó, chính sách với thị trường ôtô vẫn có tiền lệ bất ổn và ngắn hạn. Nếu giải pháp của Chính phủ chỉ có tác dụng ngắn hạn thì tâm lý lo ngại bị thu phí hạn chế xe cá nhân vào các năm tiếp theo vẫn còn. Mà mức thu do Bộ GTVT đề xuất cũng quá lớnbất hợp lý với những người đã "trót" sở hữu xe hơi từ trước. Vì vậy, dự thảo nghị quyết của Chính phủ về vấn đề này vẫn chưa phát huy tác dụng khơi thông tâm lý e ngại của thị trường ôtô.
 
Như vậy, ngoài ý nghĩa tích cực của thông tin giảm phí đăng ký lại phương tiện, 2 nội dung giảm phí trước bạ với xe mới và không thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đều còn chưa rõ ràng và thiếu tính ổn định.
 
Mặt khác, trong khi tác động tích cực (nếu có cũng không nhiều) của những nội dung dự thảo này lên thị trường xe mới sẽ còn khá lâu nữa mới đi vào thực tế, thì ảnh hưởng tiêu cực tức thời của nó vào thị trường ôtô giáp Tết Âm lịch lại hiện hữu. Theo thông lệ ở Việt Nam, thị trường ôtô cuối năm bao giờ cũng nhộn nhịp hơn trước đó, nhưng các thông tin từ bản dự thảo nghị quyết của Chính phủ sẽ khiến nó bị chùng xuống. Dự báo lệ phí trước bạ hạ từ 15-20% xuống 10-15% trong năm sau sẽ khiến cho nhiều khách hàng hiện tại tạm ngừng mua ôtô để nghe ngóng về việc hạ lệ phí đăng ký. Vậy là, đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ôtô, lợi thì chưa thấy đâu nhưng hại thì đã nhỡn tiền...