Hiệp hội VTHH Tp.HCM đòi sửa 5 điểm bất hợp lý của phí SDĐB

Ngay khi BTC soạn Dự thảo Thông tư 197 Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ (SDĐB), Hiệp hội Vận tải Hàng hoá Tp.HCM (VTHH-Tp.HCM) đã gửi kiến nghị 5 điểm bất hợp lý của phí SDĐB về: phương thức, đối tượng, định kỳ, hạn mức và giá vé qua trạm BOT. Đến nay, chỉ còn vài ngày nữa là Thông tư 197 có hiệu lực, họ tiếp tục nhắc lại các kiến nghị của mình.

Về phương thức thu phí
 
Tuy về hình thức BTC gọi loại phí này là Phí Sử dụng Đường bộ (SDĐB), nhưng nếu thu hàng năm đại trà trên từng “đầu phương tiện” theo kỳ đăng kiểm thì nó đã trở thành “loại phí cố định”. Điểm bất hợp lý là dù trong kỳ đăng kiểm đó, xe chạy ít hay nhiều hoặc thậm chí không chạy do không có nguồn hàng, hoặc tạm dừng hoạt động vì các lý do khác nhưng phí đã đóng trước và không được hoàn lại.
 
Ngoài các trường hợp được hoàn phí SDĐB quy định tại khoản 2 điều 2 của thông tư 197, Hiệp hội này đã liệt kê thêm 6 tình huống khác cần miễn phí mà lại bị bỏ sót. Đó là xe bị tịch thu, tạm giữ từ 29 ngày trở xuống; xe dừng sử dụng do thiên tai, dịch họa; xe nằm chờ do thiếu hàng; thiếu người điều khiển; xe tạm dừng để duy tu, bảo dưỡng; xe nằm bãi do DN ngừng hoạt động.
 
Vì vậy, Hiệp hội VTHH-Tp.HCM cho rằng phí SDĐB nên được quy định như một loại “phí lưu động”, có sử dụng dịch vụ thì có đóng, sử dụng nhiều đóng nhiều, sử dụng ít đóng ít để bảo đảm tính công bằng và đúng bản chất của phí. Vì thế, cần sửa đổi cách thu phí hàng năm trên đầu phương tiện thành phương thức thu gián tiếp qua xăng dầu. Làm như vậy nhà nước sẽ thu đúng, thu đủ, trong khi giảm được chi phí tổ chức thu phí cồng kềnh, tốn kém và dễ tiêu cực. Việc áp dụng phương thức thu này sẽ gặp vấn đề hoàn phí cho các đối tượng mua xăng dầu nhưng không sử dụng GTĐB, Hiệp hội đề xuất: “Theo chúng tôi, nhà nước sẽ hoàn tiền phí SDĐB dựa trên định mức tiêu hao nhiên liệu của từng ngành nghề mà Cơ quan Thuế các địa phương đang áp dụng để cho phép doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể được phép  hạch toán chi phí kinh doanh”.
 
Về đối tượng chịu phí
 
Điểm bất hợp lý thứ 2 mà Hiệp hội này chỉ ra là sơ-mi rơ-moóc không phải đối thượng thu phí. Xét về bản chất, sơ-mi rơ-moóc không phải là “đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ”. Vì bản thân rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc chỉ là tổ hợp cơ khí đơn giản, không gắn động cơ nên không thể tự hành trên đường bộ mà không có đầu kéo. Chỉ khi nào sơ-mi rơ-moóc  được kéo bởi ôtô, máy kéo mới tạo thành xe tổ hợp chuyên dụng và tham gia giao thông để vận chuyển hàng hóa. Thông tư 197 đã quy định “máy kéo” là đối tượng bị thu phí SDĐB rồi, tức là đã đánh trên đầu phương tiện rồi thì không thể đánh phí tiếp lên “phần đuôi” là sơ-mi rơ-moóc nữa. Các doanh nghiệp thường đầu tư số lượng sơ-mi rơ-moóc nhiều hơn từ 1,5 đến 7 lần so với số lượng “máy kéo” để tăng hiệu quả hoạt động vận tải, nhưng mỗi khi lăn bánh mỗi đầu kéo chỉ đi cùng với một sơ-mi rơ-moóc mà thôi.
 
Đó là chưa kể mức thu phí SDĐB với sơ-mi rơ-moóc lại cao gần gấp đôi so với đầu kéo. Vì vậy, Hiệp hội này đề xuất chỉ thu phí tổng với mỗi đầu kéo bằng mức 1 đầu kéo + 1 sơ-mi rơ-moóc là hợp lý.
 
Về định kỳ thu phí
 
Hiện nay kỳ đăng kiểm của phương tiện xe cơ giới là 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng hoặc 30 tháng, tùy theo phương tiện cũ hay mới. Nếu phải đóng phí theo kỳ đăng kiểm nghĩa là buộc các DNVT phải nộp tiền trước sử dụng dịch vụ sau, như vậy sự bất hợp lý ở đây là ép buộc để chiếm dụng vốn của DN. Vì thế, Hiệp hội kiến nghị áp dụng cách thu phí hàng tháng đối với từng loại phương tiện. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ tính toán, cân nhắc để sử dụng phương tiện, sử dụng đồng vốn một cách có hiệu quả nhất.
 
Hiệp hội đề xuất giải pháp nộp phí vào tài khoản của Quỹ BTĐB. Quỹ này sẽ phối hợp với các Trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc để đồng bộ việc thu phí và đăng kiểm.
 
Về mức thu với xe cá nhân và xe kinh doanh vận tải
 
Dựa trên phân tích về việc nhà nước không khuyến khích sử dụng xe cá nhân, còn xe thương mại – vận tải phục vụ nền kinh tế, sản xuất, lưu thông hàng hoá, Hiệp hội này cho rằng không nên ban hành mức phí trên cơ sở áp đặt phân bổ đều trên đầu phương tiện các loại như hiện nay. Vì vậy, nhà nước cần xem xét tăng mức thu phí đối với xe cá nhân và giữ mức thu hợp lý đối với xe vận tải hàng hóa, có đăng ký kinh doanh – nộp thuế, để hỗ trợ DN và nền kinh tế.
 
Về thu phí bảo trì tại các Trạm BOT
 
Theo Hiệp hội VTHH-Tp.HCM, hiện nay trong giá vé bán ra tại các Trạm thu phí BOT đã bao gồm chi phí cho việc duy tu, bảo trì công trình cầu, đường bộ. Nếu nhà nước thu phí SDĐB trên đầu phương tiện thì vô hình chung chủ phương tiện, doanh nghiệp phải nộp hai lần phí khi đi qua các Trạm thu phí BOT. Đó là sự bất hợp lý. Để tránh trường hợp phí chồng phí này, Hiệp hội kiến nghị Bộ Tài Chính tính toán lại và quy định cho các chủ đầu tư BOT giảm giá vé qua trạm của họ. Sau đó Quỹ BTĐB sẽ hoàn lại cho các Chủ đầu tư BOT khoản tiền tương ứng với tổng giảm thu từ giá vé qua trạm.
 
Trong một diễn biến liên quan, hồi trung tuần tháng 12, tại Hội nghị tập huấn chương trình thu phí SDĐB, các đại diện của Hiệp hội Vận tải Việt Nam và VTHH-Tp.HCM cũng đã có những tham luận và kiến nghị khá căng thẳng với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường và đại diện BTC. Hầu hết các điểm bất hợp lý nêu trên cũng đã được đưa ra cùng với rất nhiều than phiền khác về điều kiện kinh doanh, về bất cập chính sách.
 
Không có giải đáp thoả đáng cho các kiến nghị của đại diện DN, ông Trường đã lảng tránh vấn đề bằng cách nói rằng sau từ 3 đến 6 tháng thực hiện thu phí Bộ GTVT sẽ có đề xuất sửa đổi theo tình hình thực tế. Như vậy, DN và cả xã hội không còn lựa chọn nào khác là buộc phải trả giá bằng tiền bạc, thời gian và mồ hôi nước mắt để các quý ông ở Bộ GTVT học cách làm chính sách. Mong rằng học xong các ông vẫn còn cơ hội vận dụng những kinh nghiệm đắt đỏ đã gặt hái nhờ học phí nhân dân trả, chứ lại sa cơ lỡ bước giống mấy người cùng Bộ hay Phạm Thanh Bình (Vinashin) và Dương Chí Dũng (Cục Hàng hải) thì phí lắm!