Được nâng hạng tín dụng, Ford trên đà lấy lại uy tín thương hiệu

Sau 6 năm bị phố Wall đánh giá rất thấp, giờ đây Ford đã có thể cất được phần nào gánh nặng khi được nâng hạng tín dụng lên mức BBB-.

6 năm qua là quãng thời gian không mấy dễ chịu với Ford Motor khi hãng bị “đóng dấu đen” khiến cho các nhà đầu tư quan ngại về tính rủi ro cao, tạo thêm khó khăn cho hãng sản xuất ôtô này trong việc vay vốn dùng cho sản xuất kinh doanh.
 
Tuy nhiên, trong tuần qua, Fitch Ratings đã nâng mức tín nhiệm của Ford từ BB+ lên BBB-, cho thấy sự cải thiện đáng kể của hãng trong vấn đề tài chính kể từ tình trạng gần tới mức phá sản hồi năm 2005. Fitch thông báo Ford đã cho thấy chương trình cải tổ có tác dụng nhất định, cải thiện cán cân thu chi, cho ra lò những sản phẩm đáp ứng được nguyện vọng của thị trường, đưa hãng tới một vị trí vững chắc hơn để có thể chịu đựng được áp lực từ những biến động tiêu cực cùng sự lăm le giành thị phần của đối thủ.
 
Năm 2005, Ford đã bị đánh bật ra khỏi điểm đầu tư khi những chiếc SUV hay xe tải của hãng rơi vào vòng xoáy tiêu điều. Năm 2006, Ford đã phải thế chấp hầu hết các tài sản - nhà máy, bằng sáng chế, thậm chí cả thương hiệu hình bầu dục màu xanh của mình - để vay một khoản trị giá 23,5 tỷ USD giữ cho công ty cầm cự qua được quãng thời gian khó khăn. Những tài sản này sẽ lại thuộc tầm kiểm soát của hãng sau khi có ít nhất hai cơ quan nâng mức tín dụng của Ford. Với động thái tích cực từ Fitch, Ford đã đi được một nửa chặng đường. Các chuyên gia phân tích cho rằng trong vòng 3 đến 6 tháng tới sẽ đến lượt công ty xếp hạng tín dụng khác mở nốt chiếc cánh cửa cuối cùng giúp Ford lấy lại thương hiệu quen thuộc của mình.
 
Bên cạnh đó, việc Fitch nâng mức tín nhiệm còn là một bước tiến vô cùng quan trọng cho sức mạnh tín dụng của Ford. Hiện nay, khoảng một nửa nguốn vốn đến từ nợ không bảo đảm còn một nửa là chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản. Việc được lên điểm đầu tư (tức là khi phát hành trái phiếu ra thì sẽ trả lãi suất thấp hơn so với những hãng có mức tín nhiệm dưới mức đầu tư) sẽ giúp hãng ít phụ thuộc vào các khoản vay nợ dựa trên tài sản hơn.
 
Nhà phân tích Adam Jonas nói: “Trong khi Ford quay trở lại điểm đầu tư chưa thể có tác động rõ rệt trong ngắn hạn, thì nó cũng trở thành một mốc quan trọng cho công ty và có thể mang lại ý nghĩa chiến lược về mặt huy động vốn, do đó cũng tác động tích cực lên thị phần của hãng”.
 
Có được những biến chuyển tích cực này có thể đến công lao Bill Ford Jr., người đã tự cắt chức CEO của chính mình và cất công tìm kiếm đưa Alan Mulally lên thay thế. Cùng với đó là hàng loạt nước đi mạnh mẽ: đóng cửa các nhà máy, cắt bỏ các thương hiệu, giảm thiểu lượng công nhân đi một phần ba. Thậm chí Hội đồng quản trị cũng tự nguyện cắt giảm tiền lương của mình. Kết quả là những báo cáo hàng tỷ USD lợi nhuận 3 năm liên tiếp.
 
Tuy vậy, Fitch cũng đưa ra lời cảnh báo mức độ tăng trưởng của Ford sẽ chậm lại do “tình hình suy thoái” ở châu Âu và nhu cầu giảm ở các thị trường mới nổi như Ấn Độ hay Trung Quốc. Hơn nữa, một nửa chặng đường chông gai vẫn còn đang trải dài chờ 2 cái tên khác trong số 3 hãng định mức tín nhiệm hàng đầu - Standard & Poor's và Moody - lên tiếng.

Tin tổng hợp

otoxemay.vn