Lên núi để chơi xe địa hình

Một dịp đầu thu tháng 10, khi trời còn chưa hửng sáng, nhóm người đam mê xe đạp địa hình (MTB) đã có mặt ở đoạn đường cửa ngõ Thủ đô với các trang bị đầy đủ cho một hành trình thử sức dẻo dai của cả người và xe. Chuyến đi lần này của họ nhắm tới cung đường hiểm thuộc huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình.

Đây là nhóm MTB có tên gọi là N.H.O.E (New House Of Energy), phần nhiều còn trẻ và có cả người ngoại quốc, xe sử dụng đều đã được lắp những phụ tùng chuyên dụng cho việc bay, nhẩy tại các địa hình khó. Áp tải cùng đoàn không thể thiếu một xe tải thùng kín chuyên chở xe đạp và một chiếc xe 16 chỗ chở cả nhóm. Xe dừng cách điểm tập kết khoảng 3 đến 4 km, cả nhóm lấy xe và tiến hành bài tập đầu tiên “đánh bóng đường nhựa”. Theo trưởng nhóm Bùi Gia Huấn, việc khởi động bằng cách đạp xe trên đường “onroad” sẽ giúp các cơ chân làm quen dần với việc vận động sau một thời gian dài ngồi xe, trải qua bài khởi động này nhóm mới tiến hành thâm nhập vào đoạn đường mòn, hiểm trở.
Ngay khi rẽ vào còn đường cách tỉnh lộ chừng vài km, cả một khoảng rừng cây xanh tốt mọc xen kẽ những bãi đá, vùng đồi trùng điệp đã hiện ra trước mắt. Có lẽ với những kẻ ngoại đạo thì họ chẳng dám bước chân vào khu vực này, nhưng với những thanh niên này thì đó là vùng đất đầy rẫy những điều mới lạ đang chờ đợi để khám phá, để phiêu với niềm đam mê. Trang bị những món đồ thửa chuyên dụng cho việc bay nhảy, cùng với việc tập luyện thường xuyên, họ lao vào những con đường chỉ vừa đủ một người đi bộ, xung quanh là đá núi, đất bùn nhão và cây cối rậm rạp đi tìm những cảm giác mạnh. “Tuy đã quá quen thuộc với khu vực địa hình này, thậm chí biết rõ từng khúc quanh, từng mô đất, từng rễ cây, nhưng khi đạp xe với tốc độ đổ đèo từ 40 – 50 km/h thì đòi hỏi người tập phải luôn chú ý và thao tác đúng kỹ thuật. Những con đường độc đạo trở nên hiểm trở hơn với nhiều cạm bẫy có thể khiến cả người và xe đo đường bất cứ lúc nào”, Huấn chia sẻ thêm.
 
Tuy nhiên không phải bất kỳ chiếc xe nào thuộc dòng MTB cũng dễ dàng “chiến” được mọi dạng địa hình nơi đây mà phải phụ thuộc vào người “thuyền trưởng” có nhiều kinh nghiệm để chọn bài tập cho cả đoàn. Ngoài ra, phương tiện sử dụng phụ thuộc khá nhiều vào loại phụ tùng trang bị và cuối cùng là cách đạp có đúng kỹ thuật hay không. Các loại xe đạp địa hình thông dụng hiện nay trên thị trường gồm nhiều chủng loại từ xe đạp 1 số, không giảm xóc cho tới xe có đủ cả giảm xóc trước sau và 20, 21, 24, 27 số, từ các xe làm bằng sắt, hợp kim nhôm, titatinum cho tới carbon. Giá thành thì cũng đa dạng không kém, mức trung bình từ 5 đến 10 triệu là các xe dựng sẵn theo các kích cỡ (cỡ Size dựa trên chiều cao người tập) và trên 10 triệu (dòng cao cấp cho người tập chuyên nghiệp có giá hàng chục triệu đồng) cho các xe “ráp” theo nhu cầu sử dụng.
 
Để mạo hiểm chơi xe đạp địa hình tại vùng núi, người chơi cần có phản xạ nhanh, và kỹ thuật cao để xử lý mọi tình huống. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, người chơi nên tuân thủ một số quy định tương tự chơi môn môtô cào cào. Ví dụ như khuyến khích mọi người nên tham gia chạy theo nhóm để khi có tai nạn thì có thể hỗ trợ nhau; khi chạy luôn giữ khoảng cách vài mét giữa người trước và sau. Để tránh chuyện đi lạc, người đi trước phải có trách nhiệm với người đi sau, phải giữ tốc độ để người sau có thể theo kịp, và mỗi lần rẽ quẹo thì phải lên tiếng nhắc đường để người sau biết v.v… Cuối cùng cũng không thể thiếu đó là kỹ năng sửa chữa nhanh, việc trong đoàn có một người am hiểu kỹ thuật sửa xe sẽ là một lợi thế, bởi khi chạy ở dạng địa hình đồi núi có nhiều yếu tố bất ngờ, xe của bạn dễ gặp các tai nạn như đứt dây đề, đứt xích, gãy trục đề…
Hiện nay phong trào tập xe MTB đã khá phổ biến, rải rác trên địa bàn Hà Nội đều có các cửa hàng bán xe, ráp xe, hoặc bán đồ phụ kiện cho người tập. Các nhóm tập xe đạp cũng vì thế mà hình thành dựa trên điều kiện sinh hoạt của các thành viên, đơn cử như các nhóm MTB Hà Nội, N.H.O.E Bikers, MTB otofun, MTB “ê-mông”… với lịch sinh hoạt đều đặn là các buổi tập xe xung quanh Hà Nội và những chuyến đi ngắn ngày có phương tiện chuyên chở ra các tỉnh. Hầu như mỗi tháng một lần, có khi chẳng nhân dịp gì chỉ là thấy nhớ núi rừng và mùi ngai ngái đất ẩm, vậy là các con nghiện MTB (Moutain Bike) quanh Hà Nội tề tựu tại một vị trí nào đó để lên đường thưởng thức 100% tính năng của chiếc xe. Điểm đến thường là các vùng núi phía Bắc, nơi có địa hình và không khí lý tưởng cho bộ môn này.
 
Đi tìm những cảm giác mạnh, nhưng lại tìm được sự bình yên trong cuộc sống. Đó chính là tâm sự của nhiều người tập MTB. Với họ, được thả mình tự do trong rừng và đối diện với thiên nhiên, quên đi những lo âu cuộc sống, những bon chen trong xã hội, chỉ còn tiếng guồng đạp xe và những giọt mồ hôi là những giây phút tuyệt vời mà nơi thị thành không thể có được.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn