Sự ‘tiến hoá’ của lốp xe F1 (2)
Sau “cái chết” của xe đua 6 bánh, lốp xe F1 bước vào thời kỳ phát triển với tốc độ mạnh mẽ, khi môn thể thao này thăng hoa trên khắp thế giới.
Những ký ức về loại xe nhiều hơn 4 lốp chỉ còn lại là hình ảnh chiếc xe Ferrari ký hiệu 312T8 với 8 lốp, 4 chiếc phía trước giống P34 của Tyrrell, 4 chiếc phía sau giống 240 của March, do tay đua Regazzoni điều khiển năm 1976. Tuy nhiên, Ferrari sau đó đã thừa nhận rằng bức ảnh chỉ là một xảo thuật do chính Ferrari tạo ra nhằm kích thích sự quan tâm của những người hâm mộ môn đua xe F1.
Năm 1977 Michelin giới thiệu lốp radial và khiến loại lốp xe với bố thép trở nên phổ biến do có độ cứng cao hơn.
Bước sang những năm 1980, sự ganh đua của các hãng sản xuất lốp diễn ra một cách quyết liệt. Chính điều này đã giúp các đội đua xe có nhiều sự lựa chọn với nhiều loại lốp có chất lượng đặc biệt. Năm 1987, F1 ra điều lệ giới hạn chiều ngang lốp xe là 30,5 cm (tương đương 12 inch) ở bánh trước và 57,72 cm (tương đương 18 inch) ở bánh sau.
Màu sắc quy định cho từng loại lốp mùa giải 2013
Năm 1998, các đội đua tiếp tục được làm quen với quy định mới từ ban tổ chức. Các loại lốp không rãnh đều bị cấm dùng, thay vào đó, lốp có rãnh (3 rãnh cho lốp trước, 4 rãnh cho lốp bánh sau) được ưu tiên. F1 đã duy trì luật này trong vòng 11 mùa giải sau đó.
Thời gian này, cuộc cạnh tranh diễn ra quyết liệt giữa hai hãng Bridgestone và Michelin. Bên cạnh đó, các
quy định và sự phân loại về lốp cũng dần hình thành một cách rõ rệt hơn. Thông thường, lốp xe F1 có 3 loại chính dựa theo thời tiết: lốp khô (dry), lốp trung gian (intermediate), và lốp mưa (wet) được dùng khi trời không mưa, trời mưa nhẹ, và khi trời mưa to. Tùy theo điều kiện thời tiết và mặt đường đua mà các đội đua sẽ lựa chọn loại lốp thích hợp nhất. Trong đó, lốp khô bắt buộc phải có các rãnh dọc chạy song song với kích thước nhất định. Quy định này do Liên đoàn ô tô quốc tế (FIA) đưa ra nhằm giảm bớt tốc độ của xe đua F1, tăng độ an toàn cho các cuộc đua.
Theo quy định của mùa giải 2013, lốp viền cam sẽ là loại lốp cứng (thay cho viền xám khó nhận biết trước đây. Còn lại vẫn như cũ: viền trắng là lốp trung bình, vàng là mềm, đỏ là siêu mềm, làm là lốp dùng khi mưa nhỏ và lam là khi trời mưa to.
|
Jean Pierre Jaboullie lái chiếc Renault RS01 lốp Michelin ở mùa giải 1977
Sau đó, FIA cũng thống nhất quy định 4 rãnh cho cả lốp trước và sau. Các điều luật về lốp kể từ đó cũng thường xuyên thay đổi mà điển hình nhất là vào năm 2005 với việc không cho phép thay lốp giữa một chặng, hay chỉ dùng một động cơ trong cả một chặng đua, tính cả khi chạy phân hạng.
Đến năm 2008, toàn bộ các đội đua phải sử dụng lốp của hãng Bridgestone. Năm 2011, Double diffuser (khuyếch tán kép) và F-Duct bị cấm dùng, đồng thời Bridgestone ra đi nhường chỗ cho Pirelli.
Bắt đầu tham gia vào F1 từ năm 1997, cạnh tranh với những cái tên như Goodyear, sau đó là Michelin, Bridgestone trở thành một trong hai nhà cung cấp lốp cho F1 vào năm 2007, trước khi ký hợp đồng độc quyền giai đoạn 2008-2010.
Chiếc xe của đội Williams mùa giải 1994, với nhà cung cấp độc quyền Goodyear
Tuy nhiên, hãng đã quyết định ra đi và Pirelli là “người mới” của F1. Sự xuất hiện của Pirelli vào thời điểm đó mang theo không ít lo lắng bởi lốp xe, như đã nói ở trên là một phần không nhỏ quyết định sự thành bại của mỗi một đội hay tay đua nào tham gia F1. Do đó, các đội đua tỏ ra khá thận trọng khi thử nghiệm loại lốp mới của Pirelli nhưng sau đó hầu hết đều hài lòng.
Mika Hakkinen vô địch với chiếc McLaren lần thứ hai, vào năm 1999. Theo quy định, lốp trước có 3 rãnh
Trong mùa giải năm nay, hãng Pirelli tiếp tục mang tới bộ lốp mới thể hiện tính chất rất khác so với năm trước, hứa hẹn một mùa giải cực kì cạnh tranh sắp tới. Các tay đua đã được trải nghiệm những bộ lốp mới khá kĩ lưỡng trong 4 ngày tại Barcelona. Song, không giống với những lần trước, bộ lốp năm nay đã mang lại cho các tay đua nhiều lo lắng. Sergio Perez của McLaren đánh giá độ mòn của lốp năm nay là rất cao. Anh cũng cho rằng chúng có độ bền thấp. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng của các chặng đua.
Mark Webber chạy thử đường trơn với chiếc RB09 tại Barcelona
Trong khi đó, Jenson Button lại cho rằng chính điều này lại khiến cuộc thi trở nên… đặc sắc hơn. “Năm nay sẽ khó khăn hơn trong việc làm nóng lốp so với năm trước, nhưng hiểu được đặc tính của chúng lại dễ dàng hơn nhiều”, là những gì Button khẳng định.
Hiện Pirelli tiếp tục có những điều chỉnh trước khi mùa giải chính thức khởi tranh.