Dùng bức xạ kiểm tra sơn xe và chẩn đoán... ung thư

Các nhà nghiên cứu vừa phát triển một phương pháp mới dùng bức xạ để đo độ dày của sơn cũng như kích thước các thành phần khác bên trong, có thể ứng dụng cả trong lĩnh vực chẩn đoán… ung thư.

 
Không giống như các phương pháp thông thường, phương pháp mới sẽ không làm tổn hại đến sơn xe nên rất hữu ích cho một loạt các ứng dụng, thậm chí có thể dùng để chẩn đoán ung thư và hơn thế nữa. Công nghệ mới sẽ được giới thiệu tại hội thảo CLEO 2014 diễn ra từ 8-13/6 ở San Jose, California, Mỹ.
 
Để một chiếc xe luôn luôn sáng bóng trong nhiều năm, các nhà máy cần chắc chắn rằng những lớp sơn được phun đúng cách, nhưng rất khó đảm bảo chúng đạt độ dày như nhau ở mọi vị trí và độ mịn đồng đều. Anis Rahman, người sáng lập Applied Research & Photonics ở Pennsylvania, cho biết: “Đây là một vấn đề khó khăn. Không một phương pháp hiện tại nào thành công trong việc xác định độ dày của từng lớp sơn riêng biệt mà không làm chúng bị hư hại”.
 
Kỹ thuật do Rahman và con trai ông là Aunik phát triển sử dụng công nghệ terahertz reflectometry, trong đó, một chùm bức xạ terahertz được bắn vào lớp sơn. Bức xạ có tần số ở giữa bức xạ hồng ngoại và vi sóng, không bị ion hóa nên hoàn toàn vô hại, ông cho biết.
 
Chùm tia terahertz sẽ thâm nhập vào các lớp sơn và quay trở lại ở những cường độ sáng khác nhau, tùy thuộc vào độ dày của chất liệu mà chúng gặp phải. Từ đó, đo cường độ của các tia phản xạ sẽ tiết lộ độ dày của lớp sơn ở mức độ chính xác tới hàng chục nano mét (mỗi nano mét là một phần tỷ mét). Ngoài ra, phương pháp cũng có thể được dùng để ước tính kích thước của các thành phần được thêm vào sơn.
 
Ông cho biết thêm, bên cạnh tác dụng quản lý chất lượng, công nghệ cũng có thể sẽ hữu ích trong việc kiểm tra sơn. Chẳng hạn, để lớp sơn phủ có khả năng bảo vệ phần sơn bên dưới, hai lớp sơn này phải độc lập với nhau. Terahertz reflectometry đảm bảo rằng lớp phủ không hòa lẫn vào các lớp dưới. Phương pháp còn giúp các công ty phân tích phản ứng của sơn với những bề mặt khác nhau như nhựa, gỗ hay kim loại.
 
Chưa dừng lại ở đó, công nghệ mới giúp phát hiện liệu lớp sơn cũ có chứa chì hay không. Giới khảo cổ học thậm chí có thể dùng để phân tích lớp sơn trên cổ vật. Các nhà nghiên cứu cũng đang áp dụng kỹ thuật để phân tích cấu trúc của da như một cách để chẩn đoán ung thư da giai đoạn đầu. Với việc bổ sung quang phổ để đo các bước sóng khác nhau của chùm tia phản xạ, phương pháp còn hữu ích trong việc phân tích các lớp da xem chúng có khỏe mạnh hay không.
 
Hiện công nghệ đã sẵn sàng để áp dụng thương mại và Rahman cho biết họ đang tìm kiếm đối tác để đưa ra thị trường.
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn