Công nghệ trên xe hơi đang đe dọa sự riêng tư
Hầu hết các chủ xe đều không chú ý, khi mua một chiếc xe, vô hình trung họ đã ngầm đồng ý cho phép các nhà sản xuất theo dõi vị trí xe và thời gian ngồi sau tay lái. Các chuyên gia trong lĩnh vực luật pháp và ngành công nghiệp ôtô cho hay quyền riêng tư xe hơi hiện đang là một phạm vi không được kiểm soát, và thực tế là nhà sản xuất đang thu thập các thông tin nhiều hơn mức họ cần cho kinh doanh.
Điều đó có nghĩa là các hành động của tài xế như tăng tốc hay đạp phanh, đều sẽ được ghi chép lại, cả việc người đó vi phạm giới hạn tốc độ hay những tuyến đường đã đi qua. Một loạt hệ thống hiện đại được trang bị trên xe hơi chính là nguồn gốc của hoạt động thu thập dữ liệu, trong khi những người sở hữu nguồn dữ liệu nhạy cảm này hầu như không được pháp luật quản lý chặt chẽ. Không những vậy, tốc độ xe, áp suất lốp, tình trạng thắt dây an toàn, sử dụng điện thoại di động, số lượng người trong xe… cũng có thể bị ghi lại tường tận.
Cuộc điều tra gần đây của Cơ quan kiểm toán Hoa Kỳ cho biết có một điều chắc chắn là các nhà sản xuất ôtô và phụ tùng thu thập dữ liệu khách hàng và hầu hết đều chia sẻ với nhau. Tệ hơn nữa, theo điều khoản mà khách hàng cần đồng ý để có thể sử dụng các hệ thống định vị và hệ thống kích hoạt bằng giọng nói, quyền chia sẻ thông tin còn được bảo vệ.
“Ngành công nghiệp ôtô cần phải suy nghĩ kỹ về loại thông tin mà họ muốn thu thập cũng như đối tượng họ định chia sẻ chúng”,Thilo Koslowski - Phó Chủ tịch công ty nghiên cứu công nghệ Gartner - nhận định. “Bất cứ nơi nào tập trung vào tài xế nhiều hơn phương tiện cũng là nơi người tiêu dùng không tìm thấy nhiều giá trị”.
Tuy nhiên, vấn đề có vẻ sẽ không được giải quyết trong ngày một ngày hai bởi lý do có rất ít quy định hạn chế việc họ truy cập vào các dữ liệu này. Khi làm vậy, hầu hết đều điều khiển “hộp đen” - một thiết bị dùng để ghi chép sự kiện tương tự trên máy bay.
Năm ngoái, RT cho biết có tới 96% các xe sản xuất trong năm 2013 được cung cấp hộp đen lưu trữ thông tin về cuộc hành trình. Chúng hoàn toàn có thể bị lạm dụng nếu như không được bảo vệ.
Tham gia triển lãm CES tháng 1/2014, ông Jim Farley - Phó Chủ tịch phụ trách tiếp thị, bán hàng và dịch vụ toàn cầu của Ford - cho biết việc sử dụng hệ thống GPS cho phép hãng xe Mỹ có thể nắm rõ các tài xế có vi phạm luật lệ giao thông hay không. Ông trấn an rằng hãng sẽ không cung cấp thông tin đó cho bất cứ bên thứ 3 nào.
Mặc dù vậy, khi bê bối nghe lén của NSA vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, và chưa ai quên được việc cựu nhân viên CIA Edward Snowden đã tố cáo chính phủ Mỹ thu thập thông tin của hàng triệu công dân, không ít người sẽ tỏ ra hoài nghi về lời phát biểu của ông Farley.
Thậm chí, phóng viên Jim Edwards của Business Insider còn mô tả những lời lẽ đó là “đáng sợ” khi cho rằng nếu Ford chọn cách chia sẻ những thông tin này cho các quan chức thực thi pháp luật, hãng sẽ khiến hoạt động giám sát lan rộng ra khỏi phạm vi những chiếc máy tính. Giám đốc điều hành Ford Alan Mulally ngay sau đó đã phải đính chính: Những gì ông ấy (Farley) nói là không đúng. Chúng tôi không theo dõi các phương tiện. Đó là hành vi sai trái. Chúng tôi chỉ gửi dữ liệu để có được dữ liệu vào hệ thống bản đồ nếu người sử dụng cho phép, ngoài ra chúng tôi không làm gì hơn với các dữ liệu, chúng tôi không theo dõi và không bao giờ làm điều đó.”
Nhưng lời đã nói của một quan chức cấp cao một khi đã thốt ra thì khó lòng mà thu lại được. Theo khảo sát của Liên đoàn Ôtô Bắc Mỹ (AAA), 68% người dùng tỏ ra lo ngại về sự riêng tư và bảo mật dữ liệu xe hơi, các nhà chức trách Mỹ đang ra sức đưa đạo luật riêng tư dành cho xe hơi đi vào thực thi, nhất là trong bối cảnh các hãng đang ngày càng hợp tác chặt chẽ với các công ty công nghệ như Google hay Apple trong việc lắp đặt các tiện ích và hệ thống giải trí.