Bí quyết của VW: Một dây chuyền cho nhiều dòng xe
Việc sử dụng dây chuyền lắp ráp duy nhất cho nhiều dòng xe khác nhau là “thành công chưa từng có trong ngành ôtô”, Giám đốc điều hành Martin Winterkorn của Volkswagen (VW) cho biết.
Hệ thống mang tên Modular Transverse Toolkit sắp được lắp đặt cho nhà máy ở Chattanooga, Mỹ. Nhờ hệ thống này, nhà máy của VW có thể lắp ráp các dòng xe khác nhau, từ xe hatchback 3 cửa cho đến một chiếc SUV sử dụng chung trục trước, pê-đan hay vị trí đặt động cơ, mặc dù chiều dài cơ sở và các kích thước bên ngoài có thể không giống nhau.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực, hệ thống cho phép các mô-đun được thay thế dễ dàng hơn và phụ tùng cũng sẽ phổ biến hơn nếu so với Toyota hay GM, từ đó giúp hãng xe Đức tiết kiệm rất nhiều chi phí. Theo ông Winterkorn, dù chiếc SUV được sản xuất ở đâu, Chattanooga hay Mexico, nó vẫn sẽ được lắp ráp bằng Toolkit.
Alec Gutierrez, một nhà phân tích cấp cao ở Kelly Blue Book, nhận định thị trường SUV cỡ trung đầy tính cạnh tranh với các đối thủ như GM Traverse, Chrysler Grand Cherokee và Dodge Durango. Vì vậy, áp dụng Toolkit sẽ giúp sản phẩm của VW có được ưu thế về chi phí sản xuất. Ông cho biết thêm, một điểm yếu lớn của VW ở Mỹ chính là các xe của hãng luôn có giá cao hơn trong phân khúc của mình. “Với việc tập trung vào nền tảng này, hãng sẽ giảm được chi phí sản xuất và tăng sức cạnh tranh”.
Một trong những mục tiêu năm 2018 của VW là bán ra 10 triệu xe trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trong một cuộc họp hằng năm diễn ra tại Đức vào cuối tuần trước, Winterkorn đã nói trước các cổ đông rằng nhiều khả năng hãng có thể sẽ đạt được mục tiêu vào năm 2014, tức là 4 năm trước kế hoạch. Ông cho biết sự xuất hiện của Toolkit ở những nhà máy khác trên toàn cầu sẽ là một “chìa khóa” quan trọng cả về kỹ thuật và tài chính của VW.
Đến nay đã có 9 nhà máy của VW sử dụng hệ thống Toolkit. Đến năm 2016, hãng kỳ vọng sẽ tăng lên 20 nhà máy ở 20 quốc gia trên thế giới. Công ty đang sản xuất khoảng 1 triệu xe mỗi năm (10% tổng số xe được sản xuất) sử dụng Toolkit. Con số dự kiến sẽ tăng lên 2 triệu xe trong năm nay, thậm chí 4 triệu xe vào năm 2016.
Ông Winterkorn cho biết thêm: “Bạn có thể chắc chắn một điều rằng, khi sản lượng và các dòng xe mới tăng lên, những tác động tích cực đến lợi nhuận cũng sẽ tăng theo”.
Tuy nhiên, trong khi VW đang kỳ vọng về khả năng cắt giảm chi phí và rút ngắn thời gian lắp ráp của Toolkit, một số nhà phân tích lại tỏ ra hoài nghi về số tiền mà hãng có thể tiết kiệm được. Một nhà phân tích của Bernstein (London) là Abbas Quettawala cho rằng hiệu quả đã bị thổi phồng. Ông dẫn chi phí cao cho việc lắp áp dụng công nghệ tại các nhà máy trên toàn cầu và những khó khăn của nhà cung cấp khi phải đảm bảo rằng các phụ tùng của mình phải phù hợp.
Trả lời Reuters, nhà phân tích Michael Tyndall của Barclays Capital cho rằng tác động tổng hợp sẽ nhỏ hơn nhiều so với ước tính trước đó: “Còn có rất nhiều chi phí để đưa các dòng xe mới ra thị trường và chuyển đổi dây chuyền sản xuất hiện tại”.