Toyota Classic 2012: Đẳng cấp của dàn nhạc Thính phòng Vienna

Đêm 4/11/2012, dàn nhạc Thính phòng Vienna - một trong những dàn nhạc thính phòng hay nhất thế giới đã chinh phục hoàn toàn trái tim của thính giả thủ đô trong chương trình hòa nhạc cổ điển Toyota Classic 2012 nhân kỷ niệm 75 năm thành lập hãng.

Liên tục từ năm 1997 cho đến nay, mỗi năm Toyota lại tổ chức một chương trình hòa nhạc cổ điển tại Việt Nam. Chương trình hòa nhạc năm nay được tổ chức với nhiều điểm nhấn quan trọng, mang dấu ấn tập thể lẫn cá nhân. Trước tiên là sự xuất hiện của dàn nhạc Thính phòng Vienna, dàn nhạc được thừa nhận là một trong những dàn thính phòng xuất sắc nhất thế giới. Tiếp theo là 2 cây solist đẳng cấp quốc tế: Nghệ sỹ violin Lê Hoài Nam, nghệ sỹ guitar Nhật Bản Soichi Muraji và nhạc trưởng Nhật Bản Joji Hattori.
 
Lê Hoài Nam, nghệ sỹ violin sinh tại Hà Nội, hiện đang làm việc tại Hong Kong với tư cách là Bè trưởng violin 2 của dàn nhạc giao hưởng Hong Kong, giảng viên Học viện biểu diễn nghệ thuật Hong Kong. Với tài năng của mình, nghệ sĩ Lê Hoài Nam đã tở thành Concertmaster đầu tiên của Dàn nhạc trẻ Châu Á lưu diễn tại Canada, Mỹ, Hong Kong và Nhật Bản.
 
Chương trình gồm trích đoạn các tác phẩm nổi tiếng của những nhạc sỹ cổ điển hàng đầu như Beethoven, Tchaikovsky, Vivaldi, Saint Saens, Johan Strauss II… Những tác phẩm cổ điển được chọn để trình diễn trong chương trình mang tính phổ thông cao với giai điệu đẹp, dễ nghe, dễ cảm như bản Valse của Tchaikovsky trong Chiếc kẹp hạt dẻ, bản Rondo Capriccioso của Saint Saens, bản concerto viết cho đàn mandolin của Vivaldi và một số bản valse, poka của Johan Strauss II…
 
Joji Hattori, một trong những chỉ huy dàn nhạc hàng đầu Nhật Bản đã trở thành Trợ lý Nhạc trưởng của của Dàn nhạc Thính phòng Vienna từ năm 2004. Joji Hattori là khách mời thường xuyên của những dàn nhạc giao hưởng hàng đầu thế giới như Dàn nhạc Giao hưởng London, Dàn nhạc Giao hưởng Vienna... Nhạc trưởng Joji từng đoạt giải thưởng lớn trong cuộc thi Nhạc trưởng Maazel - Vilar và từng trình diễn thành công tại Carnegie Hall (Mỹ), một trong những thánh đường của âm nhạc cổ điển.
 
Với nghệ thuật trình diễn đạt tới sự chuẩn mực, dàn nhạc Thính phòng Vienna khẳng định đẳng cấp và ngay lập tức chinh phục toàn bộ thính giả tại Nhà hát lớn. Dàn nhạc Thính phòng không lớn nên không cho cảm giác của sự hoành tráng, có phần nào ảnh hưởng tới những đoạn cao trào (fortissimo) , song bù lại, với kỹ thuật tuyệt vời và khả năng chơi  nhạc cực kỳ ăn ý, kết dính, dàn nhạc đã thể hiện đẳng cấp hàng đầu thế giới khi truyền tải được cái hồn của tác phẩm đến với người nghe một cách trọn vẹn. Một trong những ưu điểm lớn bên cạnh yếu tố con người không thể bỏ qua chính là nhạc cụ. Nhạc cụ của các nghệ sỹ trong một dàn nhạc hàng đầu thế giới cũng đều là những tuyệt tác có tên tuổi, lịch sử, có khả năng tái hiện âm thanh mẫu mực. Tiếng bộ dây rất dày và ấm, cực kỳ truyền cảm, dễ nghe.
 
Soichi Muraji là một trong những nghệ sĩ guitar nổi tiếng nhất Nhật Bản hiện nay. Sinh năm 1982, nghệ sĩ Muraji tốt nghiệp trường âm nhạc Mahattan (Mỹ) năm 2008 và đạt dược nhiều giải thưởng guitar hàng đầu Nhật Bản. Những album của anh gồm Chacone, Foko, New Sketch hay The America… được giới chuyên môn và người hâm mộ đánh giá cao.
 
Mặc dù các solist và nhạc trưởng đến từ châu Á, vốn không phải là cái nôi của âm nhạc cổ điển, song những nghệ sỹ solo trong đêm nhạc 4/11 chơi rất thành công, không có cảm giác bị “ngợp” trước những đồng nghiệp tài ba.
 
 
Tiếng đàn của Lê Hoài Nam qua bản nhạc của Saint Saens rất giàu cảm xúc. Không có nhiều dịp biểu diễn tại quê hương, xong với lần trình diễn này, Lê Hoài Nam cho thấy trình độ biểu diễn của anh đã đạt tới tầm của những nghệ sỹ violin có đẳng cấp trên thế giới. Bản Rondo Capriccioso rất nổi tiếng của Saint Saens được rất nhiều nghệ sỹ violin hàng đầu thế giới trình diễn, trong đó phải kể đến bản ghi bất hủ của nghệ sỹ violin người Do thái Itzhak Perlman. Không có lối trình diễn mạnh mẽ với nội lực tràn đầy như Perlman, nhưng tiếng đàn của Lê Hoài Nam vẫn rất biến hóa và có chút gì đó hướng nội, phảng phất nét nữ tính, thiên về sự tinh tế và đôi chỗ gần gụi với phong cách biểu đạt của nữ nghệ sĩ violin hàng đầu Anne Sophie Mutter.
 
 
Màn trình diễn của nghệ sĩ guitar Soichi Muraji cũng rất thuyết phục qua tác phẩm concerto viết cho đàn mandolin nhưng được chuyển soạn cho guitar. Đây có lẽ là một trong những lần hiếm hoi khán giả Thủ đô được nghe một tác phẩm cổ điển chơi cùng guitar, đặc biệt được thể hiện bởi những nghệ sĩ hàng đầu thế giới. Là nghệ sĩ biểu diễn hàng đầu Nhật Bản, Muraji có lối chơi cuốn hút với kỹ thuật điêu luyện và tiếng đàn giàu cảm xúc, rất “ăn” với dàn nhạc thính phòng Vienna khiến người nghe có cảm giác như nghệ sỹ này đã có một thời gian dài chơi cùng dàn nhạc Vienna vậy.
 
Buổi biểu diễn kéo dài 2 tiếng đồng hồ tại Nhà hát Lớn đã trôi qua rất nhanh trong sự tiếc nuối của khán giả. Đây quả là dịp hiếm hoi để người yêu nhạc cổ điển ở Việt Nam có dịp thưởng thức những tác phẩm của các nhà soạn nhạc hàng đầu, được trình diễn bởi những nghệ sĩ hàng đầu thế giới. Mong rằng trong thời gian tới, người nghe nhạc cổ điển ở Việt Nam sẽ còn có nhiều cơ hội để thưởng thức những tinh hoa của nền âm nhạc cổ điển thế giới hơn nữa, nâng cao chất lượng đời sống nghệ thuật của người Việt Nam, vốn bấy lâu đang bị nhiễu, loạn bởi mớ âm thanh hỗn độn của những thứ khoác áo âm nhạc song giá trị nghệ thuật và văn hóa vô cùng thấp.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn