Đằng sau màn đua xe trong Fast & Furious 6 (2)

Những cảnh đua khét lẹt và gay cấn đã trở thành “đặc sản” trong Fast & Furious (F&F) giúp hãng phim bội thu qua từng tập phim, nhất là trong tập 6 vừa mới công chiếu. Thế liệu bạn có biết những cảnh chạy xe như phép mầu này được thực hiện ra sao? Chúng tôi sẽ bóc toẹt cho bạn thấy Hollywood thực hiện các pha rượt đuổi nóng bỏng đó thế nào!

Quay thế nào?
 
Các màn rượt đuổi giữa nhóm gangster và cảnh sát Anh bắt đầu tại một công trường xây dựng bỏ hoang và dẫn ra những con phố ở London. Và một số cảnh quay đua xe ô tô của phim đã được phát triển trong thực tế bởi một nhóm chuyên gia do Greg Powell chỉ đạo.
 
Món ăn chính của phim F&F6 là những cảnh rượt đuổi
 
“Các con phố ở London, Liverpool và Glasgow, nơi những pha rượt đuổi được quay, thường rất hẹp”. Greg Powell cho biết. “Đó là lý do tại sao chúng tôi phải làm nhiều cảnh quay thử”. Nhưng phần lớn những kế hoạch dựng hình đã được đạo diễn Lin phác họa thông qua viết bảng, các phần mềm mô phỏng kết hợp với vài chiếc ô tô mô hình Hot Wheels đặt trên một chiếc bàn trắng.
 
Nhưng phần lớn những kế hoạch dựng hình đã được đạo diễn Lin phác họa trước qua mô hình, bảng vẽ, giấy…
 
Do chỉ một phần nhỏ đường phố London được ngăn lại để phục vụ quay phim còn đường phố Glasgow lại trông không giống như của London, bộ phận hiệu ứng đặc biệt phải đo đạc cẩn thận mọi góc độ của khu vực quay phim nhờ các dụng cụ đo thông thường và hệ thống đo quét 3D LIDAR. Điều đó nhằm thực hiện chính xác các pha hành động và vì vậy những cảnh quay đua xe có thể được mở rộng nhờ hình ảnh đồ họa. Do đó một pha rượt đuổi trên đoạn phố dài 300m sẽ nhìn như dài cả dặm trong phim. Với các công trình và cảnh quan khác được đồ họa trên máy tính, Glasgow và London, cùng với một đường hầm ở Liverpool như được hòa lẫn với nhau để trở thành một London duy nhất trong phim.
 
Quang cảnh trường quay F&F6 thực hiện đoạn phim rượt đuổi trong công trường
 
“Hiệu ứng hình ảnh đóng một vai trò phụ trợ”, Giám sát hiệu ứng hình ảnh Kelvin McIlwain giải thích. “Chúng tôi ở đây để hỗ trợ Justin Lin có thể quay được nhiều cảnh mà ông ấy có thể. Vậy trong khi những chiếc xe đua trong các pha rượt đuổi là thật thì thành phố xung quanh chúng lại là ảo”. Bên cạnh bộ phận tạo hiệu ứng của riêng Universal, 10 nhà cung cấp hiệu ứng khác cũng tham gia làm phim, bao gồm Double Negative Visual Effects tại London và một số công ty tại Singapore và New Orleans. Hơn 1.000 người đã làm việc trong những khu vực riêng rẽ của họ để hỗ trợ quay phim. 
 
Nhiều cảnh quay được hỗ trợ bằng kỹ xảo dựng hình
 
Ghi hình những pha rượt đuổi
 
Phải mất 4 tuần từ tháng 8 đến tháng 9/2012 để quay cảnh rượt đuổi của xe flip-car tại Anh Quốc. Trong khoảng thời gian đó, nhóm đã thực hiện được 300 cảnh quay đơn và phá hủy hơn 10 chiếc xe cảnh sát. Có 14 chiếc BMW 5-Series trong cảnh quay này và 11 trong số chúng đã bị phá hủy. Powell cũng phải huy động tới 20 lái xe trong đó có cả Ben Collins, người thường được biết đến như nhân vật “The Stig” của chương trình Top Gear.
 
Cảnh rượt đuổi gây mới của xe flip-car mất đến 1 tháng để quay hoàn thiện
 
Một số cảnh quay được thực hiện bằng 12 camera khác nhau gắn trên những chiếc Porsche Cayenne, Cadillac Escalade và Mercedes M-class. Trong khi đó, các diễn viên trong phân đoạn quay ở Middlesex, Anh Quốc, ngồi trong những chiếc xe có phủ vải màu xanh. Các chuyên gia đồ họa sẽ “chèn” diễn viên vào các cảnh quay sau đó bằng kỹ thuật số.
 
Phần mềm đồ họa máy tính loại bỏ sự phản xạ, các thiết bị chiếu sáng và mở rộng chiều dài con đường. Nhưng những chiếc xe và hoạt động của chúng là thực.
 
Biên tập và hoàn thiện
 
 
“Chúng tôi đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ liên quan đến đồ họa”, McIlwain cho biết. “Mọi cảnh quay đơn trong phân đoạn này đều đã được cân nhắc. Chúng tôi đã đặt lại tốc độ quay cho một số cảnh để đẩy nhanh tốc độ và làm cho chiếc xe như chạy nhanh hơn. Bộ phận hiệu ứng cũng xóa bỏ những chiếc xe lắp camera trên khung hình và camera gắn trên giá (rig), thậm chí hình phản
chiếu của chúng trên phim cũng bị xóa không để lại dấu vết.
 
 
Khi quay diễn viên đang cầm lái, các chuyên gia đã bổ sung thêm hình phản chiếu khiến hiệu ứng chuyển động trông gần như thật. “Chúng tôi quay những chiếc xe trên nền phông xanh mà không có kính chắn gió hoặc cửa sổ kính vì bạn có thể nhìn thấy sự phản chiếu của những máy quay trên đó. Vậy chúng tôi buộc phải chèn thêm tấm kính “kỹ thuật số” cho những chiếc xe này”. McIlwain giải thích.
 
Một thiết bị tạo độ nghiêng cho xe để quay các pha mạo hiểm
 
Chuyên gia âm thanh Peter Brown đã tái tạo âm thanh cho các màn rượt đuổi nhờ sử dụng dữ liệu được lưu trữ trong thư viện hoặc thu âm trực tiếp từ những chiếc xe được lựa chọn. Nhóm của Peter Brown đã chọn một chiếc xe đua đầu kéo Freightliner Pikes Peak để tái tạo tiếng động cơ của chiếc Navistar cũng như dùng chính chiếc M5 và X6 để mô phỏng tiếng nổ của những chiếc M5 trong phim. Trải qua hàng ngàn giờ biên tập, hiệu chỉnh màu, ghi hội thoại và âm nhạc, kết quả Justin Lin và cộng sự đã tạo ra một bộ phim bom tấn được cả thế giới chào đón vừa công chiếu toàn cầu ngày 24/5. Nhóm của Lin đã chi ít nhất 20 triệu USD để thực hiện một pha rượt đuổi gay cấn kéo dài chỉ 7 phút trong phim.
 
Âm thanh được ghi trực tiếp từ thực tế và chèn vào trong phim.
 
Nhưng có một điều đặc biệt là trong các tập phim Fast & Furious, nhà sản xuất thường không nhận được tài trợ từ các hãng xe. Điều này đi ngược với xu thế hiện nay khi các nhà sản xuất xe hơi liên tục rót tiền vào các bộ phim bom tấn để quảng cáo cho mình và “dìm hàng” đối thủ. Trước đó Land Rover đã tài trợ cả tiền và xe cho tập Skyfall trong series phim Điệp viên 007 để “đánh” Audi và Volkswagen tan tác. Còn Audi lại thường rót tiền và xe cho series phim Người Vận Chuyển (Transporter). Gần đây nhất Mercedes-Benz cũng chi hàng triệu USD cho bộ phim Die Hard 5 để đưa những chiếc xe khủng của hãng hiện diện một cách khoa trương từ đầu đến cuối phim. Chỉ có thể lí giải rằng Fast & Furious đúng là “quá nhanh và quá nguy hiểm”, những màn chạy xe trong đó đã được đẩy lên mức “quá đà”, ít nhiều có liên quan tới vấn đề kích động, vi phạm luật pháp, đua xe và ăn chơi… Dù khán giả thích nhưng các hãng xe lại không hoàn toàn yên tâm, họ cần sự đảm bảo và an toàn không sơ xẩy trong mọi góc nhìn và đối tượng khách hàng.!? Nhưng dù sao đây lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, hãy cứ mặc kệ các hãng xe.. tập trung mà xem phim cho đã.
 
Không chỉ thu hút bởi những màn chạy xe mạo hiểm, mỗi tập phim F&F đều đem đến một góc nhìn về hoạt động chơi xe của thanh niên ở vài nước.
 
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn