Chiến binh soán vị Humvee

Tung hoành suốt hơn 25 năm trên nhiều chiến trường từ Iraq, Afghanistan cho tới Kosovo nhưng chiếc xe quân sự Humvee nổi tiếng của quân đội Mỹ nay đã lỗi thời và không còn phù hợp với những yêu cầu mới của chiến tranh hiện đại. Lầu Năm Góc đã xúc tiến một chương trình mang tên Joint Light Tactical Vehicle (JLTV) để tìm kiếm phương tiện mới thay thế Humvee.

 
JLTV là một chương trình xe hỗ trợ chiến đấu cấp chiến thuật đang được triển khai bởi quân đội Mỹ, đặc biệt là các lực lượng lục quân, đặc nhiệm (USSOCOM) và thủy quân lục chiến (Marine Corp), để thay thế Humvee, chiếc xe chiến đấu đang trở nên già hóa và lỗi thời.
 
 
 
Dòng xe JLTV mới được mong đợi có khả năng tồn tại và chống đỡ cao hơn trước các cuộc tấn công bất ngờ như đặt bom trên đường cũng như chuyên chở ưu việt hơn Humvee. Humvee không được thiết kế ngay từ ban đầu là một chiếc xe chiến đấu và tuần tra bọc thép nên nó không có khả năng bảo vệ binh sĩ trước hỏa lực của đối phương. Thực tế khi sử dụng tại Iraq và Afghanistan, nhiều chiếc Humvee đã trúng mìn và súng phóng lựu và mất khả năng chiến đấu rất nhanh. Ngược lại, JLTV được thiết kế đặc biệt cho các hoạt động tuần tra và chiến đấu, nó sẽ bảo toàn tính mạng cho binh sĩ tốt hơn.  
 
 
 
JLTV sẽ gồm 5 phiên bản bọc thép: xe chiến đấu bộ binh (infantry combat vehicle), xe chỉ huy (command vehicle), xe trinh sát (reconnaissance vehicle) và xe đa dụng bọc thép (armoured utility vehicle). Ngoài ra, chúng cũng có thể được sử dụng như một xe chở quân bọc thép và vài phiên bản không bọc thép khác cho những mục đích khác như cứu thương và xe vận tải chở trang thiết bị.
 
Ý tưởng chức năng của JLTV
 
Theo mô tả tóm tắt của Lầu Năm Góc, JLTV có ba cấu hình căn cứ theo khả năng chuyên chở (trọng tải) của xe và nhiệm vụ cụ thể. Cả ba cấu hình này đều có thể được vận chuyển bằng máy bay trực thăng CH-47, CH-53 và máy bay vận tải C-130.   
 
- Hạng A: Tải trọng 1600kg và được sử dụng chủ yếu làm xe đa dụng để tuần tra chiến trường với 4 ghế.
 
- Hạng B: Tải trọng từ 1.800-2.000kg, được sử dụng làm xe chở bộ binh (6 ghế), thông tin liên lạc (6 ghế), biệt kích do thám (6 ghế), xe điều khiển và chỉ huy hỏa lực (4 ghế), xe chở vũ khí nặng (4 ghế và một vị trí xạ thủ), xe đa dụng (2 người) hoặc xe cứu thương (3 ghế và 2 giường cáng).
 
- Hạng C: Tải trọng 2.300kg, được sử dụng chủ yếu cho mục đích vận tải như: xe chở container/cabin quân sự hay xe cứu thương loại lớn.
 

Những công ty đấu thầu dự án JLTV

 

JLTV là một dự án béo bở trị giá hàng chục tỷ USD nên khá nhiều tập đoàn quân sự của Mỹ và Anh Quốc đã đưa ra các mẫu xe khác nhau để chào hàng Lầu Năm Góc.
 
  • Boeing, Textron và Millenworks
  • General Dynamics và AM General (General Tactical Vehicle)
  • Force Protection Inc và DRS Technologies (chính thức rút lui vào tháng 8/2008)
  • BAE Systems và Navistar
  • Northrop Grumman, Oshkosh Truck và Plasan
  • Lockheed Martin, BAE Systems
  • Blackwater và Raytheon
 
Các nhà sản xuất trưng bày và trình diễn mẫu xe ý tưởng của họ trước một ban điều hành chương trình JLTV với các nội dung liên quan đến tính năng kỹ chiến thuật, ưu nhược điểm, chi phí sản xuất, chi phí vận hành… Cuối năm 2008, Lầu Năm Góc đã loại bớt 4 nhà thầu và chỉ còn Lockheed Martin, General Tactical Vehicles và BAE Systems/Navistar đi tiếp giai đoạn hai – phát triển công nghệ - với số tiền đầu tư được ứng trước cho mỗi nhóm từ 35,9 đến 45 triệu USD.
 
 
 
Chương trình này cũng thu hút được sự quan tâm của quân đội một số nước. Năm 2009, Australia đã ký một thỏa thuận đầu tư cho 9 trong số 30 chiếc JLTV đầu tiên. Ấn Độ cũng rất quan tâm đến chương trình JLTV. Với những lý do về tài chính khó khăn, Cơ quan ngân khố quốc gia của Mỹ đề xuất hủy bỏ chương trình JLTV nhưng yêu cầu này không được thông qua.
Giai đoạn phát triển công nghệ đã kết thúc vào tháng 5/2011 và cả ba nhà thầu đang chuẩn bị cho giai đoạn trình diễn phát triển hệ thống đầu năm 2012. Sau đó, hai nhà thầu được lựa chọn sẽ hoàn thiện thiết kế và phát triển một dòng xe JLTV hoàn chỉnh và cạnh tranh để sản xuất các phiên bản JLTV.
 
Những yêu cầu thiết kế
 
Lầu Năm Góc mà cụ thể là lực lượng lục quân và thủy quân lục chiến đưa ra những yêu cầu chung cho JLTV:
 
  • Một máy phát công suất 30kW cung cấp nguồn điện liên tục và được dẫn động từ động cơ khi xe chạy.
  • Khả năng kéo rơ-mooc với cùng tải trọng với độ tin cậy đủ đáp ứng yêu cầu chiến thuật.
  • Khả năng mang vũ khí: mỗi chiếc JLTV có thể mang được 2 thùng đạn M16 hoặc một thùng M203, 4 thùng M249 và 6 thùng hoặc MK19, M2, hoặc M60 / M240
  • Những cánh cửa chống kẹt để dễ dàng thoát ra ngoài sau khi bị tấn công hoặc phá hủy.
  • Một hệ thống dập lửa tự động, các tấm lót bổ sung để hạn chế sự xuyên thủng của đạn khi bị tấn công.
  • Hai cấu hình bọc thép A-kit và B-kit để chống lại mìn, đạn pháo.
  • Hai lốp run-flat.
  • Hệ thống đảm bảo cho xe vẫn hoạt động sau khi các bộ phận trọng yếu như thùng nhiên liệu, hệ thống làm mát hoặc thùng dầu động cơ bị trúng đạn.
  • Hệ thống theo dõi điện tử để chẩn đoán thiết bị và lỗi hệ thống và chúng có thể được sửa chữa.
 
Theo ước tính, hợp đồng quân sự này có trị giá khoảng 30 tỷ USD với khoảng 100.000 xe.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn