Xe cứu hỏa có được “phạm luật”?

Sau vụ tai nạn giữa xe cứu hỏa và xe khách trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, không ít người sẽ đặt câu hỏi: Ở nước ngoài, các phương tiện khẩn cấp có được phép đi sai luật hay không? Có thể thử tham khảo câu chuyện của nước Anh.  

 
Khi đang lưu thông trên đường, thỉnh thoảng các tài xế sẽ bắt gặp một chiếc xe cứu hỏa hay xe cứu thương lao tới và rú còi inh ỏi. Mọi người đều biết cần nhanh chóng nhường đường cho các phương tiện đó, nhưng có thể không phải ai cũng nắm được tất cả những quy định mà tài xế, bao gồm tài xế các phương tiện khẩn cấp, cần tuân thủ trong những tình huống như vậy.
 
Phương tiện khẩn cấp là gì?
Trước tiên, cần hiểu thế nào là một phương tiện khẩn cấp. Phương tiện khẩn cấp được định nghĩa là bất cứ phương tiện nào có nhiệm vụ hỗ trợ trong các tình huống khẩn cấp.
 
Hầu hết, các phương tiện trên đều được trang bị còi cũng như đèn tín hiệu gắn trên nóc xe. Tại Anh, đèn tín hiệu sử dụng cho các xe này thường có màu xanh.
 
Lái xe cần làm gì khi thấy phương tiện khẩn cấp?
Điều 219 của Bộ Luật Xa lộ nước Anh quy định các tài xế nên quan sát và lắng nghe tín hiệu của xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe cảnh sát hay những phương tiện khẩn cấp sử dụng còi, đèn nhấp nháy.
 
Khi phát hiện một xe khẩn cấp đang tiến đến gần, cần xem tuyến đường phương tiện có thể sẽ đi tới và nếu cần thiết, hãy chủ động nhường đường.
 
Tài xế cũng thể đánh xe sang bên lề đường và dừng lại, nhưng nên tránh việc làm này ở những khúc cua hoặc đoạn đường hẹp.
 
Ngay cả khi đang nhường đường cho phương tiện khẩn cấp, lái xe vẫn cần tuân thủ mọi quy định và tín hiệu giao thông xung quanh.
 
Tránh rồ ga, phanh gấp khi gặp vòng xuyến hay các đoạn đường giao nhau, cũng như những hành động có thể gây nguy hiểm cho người đi bộ và các phương tiện đang tham gia giao thông. Tài xế sẽ phải chịu mọi trách nhiệm nếu như vi phạm pháp luật, cho dù vì lý do tránh đường cho xe ưu tiên làm nhiệm vụ.
 
Quy tắc cho xe ưu tiên
 
 
Nếu các tài xế khác phải làm công việc của họ là tuân thủ quy định giao thông khi nhường đường cho phương tiện khẩn cấp, những loại xe ưu tiên cũng có những trách nhiệm nhất định.
 
Trên thực tế, có những quy định nhằm ngăn chặn xe ưu tiên “ép” các phương tiện khác phải vi phạm luật giao thông để nhường đường. Ví dụ, xe ưu tiên phải tắt còi tại nút giao thông, nơi các phương tiện đang đứng chờ đèn đỏ.
 
Không những vậy, hầu như các tài xế xe tiên đều phải trải qua các khóa đào tạo lái xe nâng cao. Đặc biệt đối với tài xế xe cảnh sát, cứu hỏa hay cứu thương bởi họ có thể được phép vượt tốc độ giới hạn khi làm nhiệm vụ.
 
Những trường hợp xe khẩn cấp được “phá” luật
Trong một số trường hợp cấp bách, tài xế các xe ưu tiên có thể “phá” luật khi sử dụng đèn tín hiệu hoặc còi, như: Vượt quá tốc độ cho phép (xe cảnh sát, xe cứu hỏa hay xe cứu thương), đi ngược chiều, vượt đèn đỏ...
 
Những quy tắc tài xế xe ưu tiên không thể bỏ qua
Tuy nhiên, vẫn có những quy tắc mà tài xế xe khẩn cấp không được “làm ngơ”. Chẳng hạn, họ vẫn phải tuân thủ các tín hiệu dừng lại hoặc nhường đường, không được tự ý đi qua vùng “miễn vào”, đi ngược chiều trên đường một chiều...