Thợ Sài Gòn phục chế xe Jeep 70 năm tuổi

Bỏ ra 6 tháng và tiêu tốn khoảng 420 triệu đồng, nhóm thợ tại Sài Gòn vừa tái hiện thành công nguyên bản mẫu xe Jeep Bantam, thuộc thế hệ ban đầu của dòng xe chiến trường nổi tiếng thế giới.

Người đứng đầu nhóm thợ làm xe là ông Quang, với gần 30 năm trong nghề sửa xe, cho biết toàn bộ phần thùng xe được đóng mới hoàn toàn từ những tấm tôn lớn chứ không ráp manh mún. Các mép cuốn thùng được gò ép chính xác sắc sảo như xe nguyên thủy. Bình xăng lớn nằm ở đuôi xe, với sức chứa 50 lít xăng, giúp xe chạy liên tục khoảng 500km không cần đổ xăng. Các chi tiết đặc trưng khác như cần gạt nước vận hành bằng tay, bù-lông vuông, đầu ốc tán có ký hiệu theo quy chuẩn chơi xe quốc tế, các loại pát đỡ được thợ vát chéo hoặc gò uốn lượn đẹp mắt.
 
 
Có những chi tiết cầu kỳ thợ phải cặm cụi làm 3 ngày mới xong. Các chi tiết này đều được cân nhắc tính toán cẩn thận trước khi gắn vào xe. Ví dụ, mặt trong thành thùng ở hàng ghế sau có rãnh để thuận tiện gác kèo và thu kèo giữ tấm bạt. Bộ lốp xe 16 inch bắt buộc phải thay kiểu khác, vì nếu lắp lốp mô phỏng nguyên mẫu, với gai xéo nổi cao như máy cày, thì rất khó chạy trên đường phố. 
 
Jeep Bantam nguyên bản hiện chỉ còn khoảng 100 chiếc trên toàn thế giới, và việc sản xuất xe đã chấm dứt từ rất lâu, nên việc tìm đầy đủ toàn bộ phụ tùng gin hầu như bất khả thi. Ông Quang trình bày: Xe sử dụng sát-xi 4x4 tương tự M606. Phuộc nhún nhíp gin. Nhưng máy xe Bantam gin rất hiếm, chúng tôi không thể tìm được, buộc lòng phải lấy máy của Willys làm lại “phọt”, giống như “xuống đời”. Ngoài ra, trên chiếc Jeep Bantam này có khá nhiều chi tiết “lai” khác, như tời kéo điện, còi trên cản trước, con đội đa năng được gắn sát thành xe bên trái (ngay dưới gương hậu), tấm cao su nối thêm vào vè chắn bùn bánh trước, ống xả dựng cao sau đuôi xe, họng đổ xăng và phần ống nối vào bình xăng được cách điệu tạo cá tính, gương chiếu hậu, bệ đỡ tấm kính chắn gió, bảng đồng hồ công-tơ-mét, các nút giắc khởi động máy, bật tắt xi-nhan, đèn pha…
 
 
Ông Quang chia sẻ: “Trong quá trình mày mò phục chế, tôi đã tìm được cách “ra rập” phần thiết kế của Jeep Bantam. Điều này giúp tôi có thể “nhân bản” nhiều chiếc Jeep Bantam tiếp theo với thời gian hoàn thiện được rút ngắn rất nhiều. Ngoài ra, tôi có thể chế hộp số tự động cho Jeep Bantam để việc lái xe trở nên nhẹ nhàng hơn, đặc biệt là phụ nữ cũng có thể lái chiếc xe này”.
 
Jeep là dòng xe nổi tiếng, trong một khoảng thời gian rất dài đã liên tục phục vụ quân đội Mỹ trên chiến trường khắp các châu lục. Trong đó, Jeep Bantam phiên bản BRC 40 được Công ty American Bantam Car chế tạo ngày 23/9/1940 tại thành phố Butler, tiểu bang Pennsylvania (Hoa Kỳ). BRC viết tắt từ Bantam Reconnaissance Car, nghĩa là xe trinh sát Bantam. Trước đó, chiếc prototype BRC Pilot được chạy thực nghiệm trên đường thử thuộc căn cứ Holybird (Mỹ). Để được quân đội Mỹ chọn sản xuất hàng loạt từ năm 1940, nguyên mẫu sản phẩm Jeep Bantam đã phải trải qua nhiều cải tiến có tính đột phá, như giảm trọng lượng xe từ 1000kg còn 850kg.
 
Với sự góp mặt của những hãng sản xuất xe Jeep khác như Ford và Willys, vào năm 1941, Bantam kết thúc hợp đồng cung cấp xe cho quân đội Mỹ với số lượng xe Jeep Bantam đã giao là 2.675 chiếc.
 
Việc phục chế chú trọng phần đầu xe, là nơi toát lên sự độc đáo của ngoại hình Jeep Bantam với các khe lưới tản nhiệt vát tròn và toàn bộ mặt ca-lăng uốn cong, chứ không nằm ngang như những mẫu xe Jeep khác
 
Còi xe gắn thêm trên cản trước. Phần cản này có khắc ngày bắt đầu phục chế xe
 
Ngoài hệ thống lái gin, xe được trang bị hộp số sàn 3 cấp với chế độ vận hành 2 cầu thông qua 2 cần điều khiển phụ
 
Băng ghế sau (chưa đóng đai an toàn) với sàn xe rộng thoáng
 
Trụ đỡ thanh (kèo) gác tấm bạt phủ mui xe cũng được gò vát xéo tinh tế
 
Thanh trụ con đội đa năng được gắn thêm bên hông xe
 
Đèn pha cũng được gắn thêm góp phần xóa đi cảm giác trống trải ở phần hông bên trái xe
 
Phần nắp chụp trung tâm bánh mâm được làm tỉ mỉ. Bước đầu là tiện khối sắt thành hình tròn làm khuôn mẫu, sau đó cắt tôn gò theo khuôn sắt tròn đó, tạo nên những nắp chụp rất đều nhau. Nếu gò bằng tay thì không thể có được bộ nắp chụp mâm đẹp như vậy
 
Họng xăng nằm gần cản sau
 
Người thợ diễn tả sự chăm chút khi gò thanh thép dùng gắn tấm chắn bùn bánh trước
 
Sau khi xem xét kỹ và trực tiếp lái thử, ông Phùng Văn Vượng – từng làm chủ garage gần 20 năm tại Hải Phòng nhận xét: “Người thợ nào phục dựng thành công chiếc xe này thì quả là một kỳ công. Tôi dám chắc như vậy vì bản thân tôi từng sửa chữa phục hồi cho gần trăm chiếc Jeep”
 
Chiếc Jeep Bantam BRC Pilot – ảnh chụp trước năm 1940
 
Jeep Bantam bên cạnh một chiếc Jeep A2 (Jeep lùn)
 
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn