Theo chân Suzuki GN độ Scrambler

Chiếc Suzuki GN 125 cũ được đắp, gọt, gò nắn để mang hơi thở Scrambler. Cuộc chơi không quá cầu kỳ song cần sự tỉ mẩn và hơn cả là tinh thần trì đủ để dài hơi theo đuổi.

 
Mai Ngọc Anh, chàng trai trẻ bạn bè hay gọi tên Quạ là bạn lâu năm của gã chủ tịch một câu lạc bộ Scrambler nhỏ mang tên Conxeart. Chẳng hiểu bị ảnh hưởng sở thích quái dị hay nghe lời khuyên rủ thủ thỉ của đảm bạn bè, Quạ đâm ra thích cái chất hoài cổ và quyết định “ném” con tracker “độ vời” về thập kỉ 60-70, vào “bầy” Scrambler người châu Âu khi ấy đang chơi thịnh. Không được mua sắm và lắp ráp nhiều đồ chơi sẵn tiện vì túi tiền sinh viên từ chối, nhiều chi tiết của chiếc xe này đành được làm bằng tay từ sắt, thép và một tinh thần ngang bướng.
 
 
Bước đầu tiên khi bắt đầu vào dự án đầy triển vọng, chiếc xe được Quạ hào hứng tháo trơ khung. Nhưng lúc này mọi rắc rối mới thực sự bắt đầu. Toàn bộ hệ khung ống thấp của dòng Cruiser cho đường dài nên có chiều cao thấp, đoạn giữa khung phụ (subframe) phải nâng cao nhằm lấy lại chiều cao yên hợp với địa hình rừng núi. Phần khung đuôi cũ cũng được cắt bỏ và thay thế bằng đuôi tròn đúng kiểu cổ uốn thủ công từ thép ống 22. Việc thay đổi này cũng đảm bảo khi hoàn tất bước đệm để những bộ phận độ tháo lắp đơn giản thay thế cho những món đồ nguyên bản phức tạp. Đôi bánh được lên cấu hình 18-18 của Scrambler “chuẩn”, lốp gai bán địa hình cũng được thay mới khi vứt bỏ vành sau chạy lốp touring 16 inch cũ. Việc đẽo gọt hệ khung không tốn kém cho lắm nhưng điều quan trọng là cần đảm bảo sự cân đối của khung. May mắn là cổ phốt, treo máy, trục càng và toàn bộ khung chính quyết định sự vận hành của xe đều không hề bị máy cắt và mỏ hàn sờ tới. Như vậy là khung xe đã được thay đổi theo đúng “bài” scrambler, mà cảm quan là phần khung phụ song song với mặt đất khi dựng đứng xe ở trạng thái tự do.
 
 

 
 
 
Để ngoại hình và kết cấu khung thống nhất như tư tưởng scrambler: gọn nhẹ, linh hoạt, bình xăng cũ được tận dụng xẻ ra và làm nhỏ lại làm đường nét tổng thể trở nên thanh thoát hơn. Tận dụng những phụ tùng sẵn có “cắt vá” lại theo ý mình là một lựa chọn vừa túi và thông minh trong việc độ xe, vừa tiết kiệm tài chính, lại vừa giảm thời gian lao động nhưng đôi lúc bạn phải đánh đổi một chút vẻ đẹp ngoại hình. Bước tiếp theo là làm lại yên theo “form” dáng cổ điển, bắt buộc phải làm mới xương yên bởi xương yên nguyên bản bằng nhựa khó sửa đúng ý và khó lòng cố định được lên kết cấu subframe đã bị thay đổi từ trước. Xương yên là một chi tiết gò đơn giản nhất mà người tự độ xe thường bắt đầu làm. Phôi là thép tấm 0,9 mm ( dân độ vẫn “ẩu đoản” gọi ngắn là “tôn 9 ly”) được gò cho vừa với giới hạn bao quanh của subframe rồi hàn thêm ốc nhái để cố định yên sau này lên khung. Sau đó mang xương yên đi đột lỗ xung quanh để cố định lớp da yên ngoài cùng. Ở Hà Nội, địa chỉ nổi tiếng nhất để dân độ phổ thông cắt mút và bọc yên là phố Hà Trung. Phố này hay ở cái, hễ cái yên nào cũng vậy, có yêu cầu kiểu dáng thế nào miễn là đừng quá khó, thì giá cũng chỉ từ 400-500 ngàn đồng tùy thợ, tùy cả quen biết.
 
 
 
Ngoài kết cấu, ngoại hình, một chiếc scrambler thực thụ phải có tư thế lái tốt nhất, vừa thỏa mái lại vừa phải dễ dàng, linh hoạt để có thể qua những khúc cua “khù khoằm” trong rừng rú. Tư thế lái quyết định chủ yếu bởi chiều cao yên và ghi đông. Ghi đông lại phải còn phải vừa đủ độ cao, độ rộng để hễ phải vượt qua suối cạn hay đoạn lởm chởm đá, thì người chạy phải “đứng xổm”. Đấy chính là kĩ thuật vượt địa hình mà giờ đây ta hay thấy dân chơi cào cào hay biểu diễn. Đó là vấn đề khá “bấn” với Quạ bởi ngày nào cậu cũng phải lái chiếc xe mà tư thế ngồi như người bị... đấm vào bụng. Nhưng may thay, Lê Công lại vừa sắm một bộ uốn ông thủy lực để sản xuất ghi đông theo thiết kế của những chiếc scrambler dành cho thị trường Mỹ những năm thập kỉ 70. Tay lái này có độ rộng hơn hẳn những mẫu ghi đông trên những chiếc “scrambler Nhật” thương mại như Honda CL, hay Honda 68... Thế là, về cơ bản, chiếc xe đã có những yếu tố cần của một chiếc scrambler.
 
 
Tiếp nối phần ngoại hình, mang hình ảnh đặc trưng của scrambler cổ điển là đôi cốp được gò thủ công và bo viền, giống như những mẫu Scrambler đua trong lịch sử. Giờ đây xe độ vẫn thi thoảng đánh số, nhưng khác với trong lịch sử là mang những con số trong một giải đua, giờ đây con số trên xe độ lại có ý nghĩa hoặc một hình yêu thích riêng của chủ nhân. Pô đặt cao vừa phải, cân bằng với việc di chuyển nội thị cũng như dã ngoại. Lon bô làm bằng tay, giảm thanh (muffler) cũng chỉ có một cái tiêu bằng thép quấn bông thủy tinh cách nhiệt, đem lại chất tiếng vintage. Độ lớn có lẽ cũng thuộc hàng “phá làng phá xóm”- theo lời nhận xét vui của bạn bè chơi xe và đôi lúc là cái lườm nguýt của mấy “bu hàng xóm”.
 
Bên cạnh sự thuận lợi khi tạo tác với dàn vỏ của xe thì khó khăn muôn thủa luôn đến từ khâu làm máy. Theo chia sẻ của chủ xe : “Máy đứng của dòng Su thường khó bảo dưỡng và sửa chữa, hay gặp những vấn đề như là máy nóng, cam, cò hay bị gõ, hở xéc măng… Kiếm thợ biết làm đảm bảo chất lượng đã ít, đôi khi đem đi sửa mà còn bị thợ làm hỏng thêm, vừa làm mất tiền còn tốn cả thời gian công sức vác cái bực vào người.” Đây là những bức xúc gần như là cơm bữa, nên không vì thế mà làm nao núng tinh thần. Một cách lạc quan Quạ chia sẻ về con “quái vật bé tí” của mình “Xe độ thì chẳng bao giờ là hoàn thiện, nó sinh ra là để liên tục thay đổi.”
 
 

Sự hài hòa giữ kết cấu khung cùng phần ngoại hình mới thay thế tạo thành bản ghép tổng thể chắc chắn và hợp lý kết hợp cùng màu sơn không quá bóng bẩy, mang hơi hướm BSA mà chủ xe bị ám ảnh đã lâu. Mặc dù tìm kiếm sự phóng khoáng đến hoang dại đến những người đàn ông thập kỷ 70, thời kỳ đỉnh cao của tự do cá nhân châu Âu, chiếc xe của người Việt còn đẹp trong cách chơi đã nhuốm lên nó, chứ không chỉ như những bản mẫu cắt ghép bị lầm tưởng. Tiếp nối cho tinh thần đã truyền vào đứa con cưng, “ Quạ” sẽ tiếp tục được thay đổi và nâng cấp, “làm mới” chiếc xe theo phong cách Scrambler cổ điển.

Nhưng cuối cùng, ngồi trước thềm Nhà hát Lớn Hà Nội ngẫm nghĩ sau chuyến chơi đêm sau những buổi học trên trường và công việc, Quạ ngộ ra độ xe âu cũng là cuộc chơi giống như bao điều trong cuộc đời đầy hỷ-nộ-ái-ố. “không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc mà hạnh phúc chính là con đường” – Mark Twain.

 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn