Phong tỏa hiện trường tai nạn giao thông như thế nào

Bạn đã bao giờ đặt câu hỏi: Tại sao người ta chặn làn giao thông khi có sự cố xảy ra trên đường? Trang The Drive đã đưa ra cách giải thích ứng dụng với điều kiện giao thông ở Mỹ. Các nước khác cũng gần như tương tự, tất nhiên cũng sẽ phải tùy theo quy định mỗi nước.

Phong tỏa hiện trường tai nạn giao thông như thế nào. Ảnh: The Drive
Ảnh: The Drive
Khi có tai nạn xảy ra, cảnh sát hay nhân viên cứu hộ khẩn cấp thường đứng ra điều khiển giao thông. Về cơ bản, họ quan tâm chủ yếu đến hai điều: an toàn hiện trường và cấp cứu cho bệnh nhân. Bất kể ở vị trí khẩn cấp nào, một trong những điều bạn được dạy đầu tiên là phải tiến hành đánh giá tình hình và phong tỏa hiện trường, vì đường xá là một nơi rất nguy hiểm để tác nghiệp. Chỉ khi các bước trên hoàn tất, việc sơ cứu/cấp cứu mới có thể bắt đầu.
Do đó, đơn vị đầu tiên đến hiện trường xảy ra tai nạn thường là cảnh sát/công an. Xe cảnh sát khi đến nơi thường cách khu vực xảy ra tai nạn khoảng 4,5m, góc nghiêng 25 độ. Vai trò của họ là thông báo những nguồn lực cần thiết và bắt đầu khoanh vùng, bảo vệ hiện trường và đôi khi là dọn dẹp các mối nguy hiểm nếu cần thiết và trong khả năng. Sau khi xác định tình hình, cảnh sát sẽ bắt đầu thiết lập hàng rào chắn xung quanh khu vực tai nạn, cảnh báo cho những tài xế khác rằng phía trước đang có sự cố, bằng cọc tiêu giao thông dạng nón chóp cùng đèn cảnh báo nhấp nháy nếu cần (chẳng hạn khi trời tối). Khu vực này phải đủ rộng để xe cấp cứu và xe cứu hỏa tiếp cận hiện trường và các nhân viên cứu hộ làm việc.
Tiếp theo, xe cứu hỏa và nhân viên cứu hộ sẽ xuất hiện. Xe cứu hỏa sẽ đi vào vùng khoanh, sử dụng như lá chắn ngăn giữa các phương tiện lưu thông trên đường với các nhân viên cứu hộ đang làm việc tại hiện trường. Tuy nhiên, thay vì đỗ thẳng đứng (góc 90 độ) với hiện trường, họ sẽ phải đỗ xe tạo một góc thích hợp, thường theo cọc tiêu giao thông, để đảm bảo đủ chỗ cho nhân viên hoạt động an toàn. Người điều khiển xe cứu hỏa cũng phải đảm bảo xe đỗ cách đủ xa hiện trường tai nạn, đảm bảo đủ không gian cho các phương tiện máy móc hoạt động cũng như nhân viên hoạt động, ngay cả khi điều này có thể gây cản trở giao thông và gây khó khăn cho các phương tiện khác. Thông thường, xe cảnh sát và xe cứu hỏa sẽ đậu chặn ở phía cùng chiều lưu lượng giao thông đang truy cập đến theo làn.
Phong tỏa hiện trường tai nạn giao thông như thế nào. Ảnh: The Drive
Ảnh: The Drive
Thứ ba, xe cứu thương sẽ đến và lên phía trước cả xe cảnh sát và cứu hỏa, đỗ ngược lại với chiều giao thông. Điều này đảm bảo các nhân viên cứu hộ không bị ảnh hưởng bởi các phương tiện khác. Có một số trường hợp ngoại lệ xe cứu thương không thể làm như vậy. Nhưng quan trọng là phải luôn có một phương tiện đậu với mũi xe ngược lại chiều giao thông, để bảo vệ các nhân viên đang làm việc trong khu vực.
Mặc dù nhân viên cấp hộ là những người chăm sóc chính trên hiện trường, những người lái xe ngang qua có thể giúp công việc của họ trôi chảy hơn bằng cách tuân thủ một số quy tắc đơn giản: Chạy chậm lại khi nhìn thấy đèn cảnh báo/cọc tiêu giao thông. Nhưng đừng chạy rất chậm vì tò mò giương mắt nhìn. Đó là hành động thô lỗ, làm gia tăng căng thẳng không khí, cản trở chăm sóc bệnh nhân và cũng góp phần làm tắc nghẽn giao thông. Cũng đừng ấn còi, vì nó cũng làm gia tăng căng thẳng và sự cản trở không cần thiết.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn