Lái xe bên trái: Thuận tiện hay ra đời từ cái sự ghét nhau

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 35% dân số lái xe bên trái và hầu hết ở các quốc gia là thuộc địa cũ của Anh. Thói quen “kỳ lạ” này có thể khiến không ít người cảm thấy khó hiểu, thậm chí bỡ ngỡ khi lái xe ở một đất nước khác. Tuy nhiên, đằng sau đó là cả một lịch sử lâu đời và cũng rất... thú vị.

Màu đỏ: Những quốc gia lái xe bên phải, màu xanh: các quốc gia lái xe bên trái
 
 
Từ xa xưa, phần lớn mọi người đều đi về phía bên trái đường bởi đó là lựa chọn hợp lý nhất ở các xã hội phong kiến và hay xảy ra bạo lực. Do con người có xu hướng thuận tay phải, các “tay kiếm” thường di chuyển về phía bên trái để lúc đó, tay phải (tay cầm kiếm) gần hơn với đối thủ, đồng thời giảm nguy cơ tự làm mình bị thương.
 
Không những vậy, người thuận tay phải cảm thấy dễ dàng hơn khi leo lên ngựa từ phía bên trái, đặc biệt khi họ đang đeo kiếm (bên trái). Việc lên xuống ngựa cũng an toàn hơn khi diễn phía trong lề đường, thay vì ở phía các phương tiện khác đang đi lại. Đây là lý do dẫn đến thói quen cưỡi ngựa bên trái đường.
 
Vào cuối những năm 1700, các “tài xế” ở Pháp và Mỹ bắt đầu vận chuyển nông sản trên những chiếc xe cỡ lớn do những cặp ngựa kéo phía trước. Phương tiện không được thiết kế chỗ ngồi nên người lái sẽ ngồi trên lưng một con ngựa bên trái phía sau. Như vậy, tay phải có thể thoải mái điều khiển cả “đội quân” phía trước. Do ngồi bên trái nên họ muốn những xe khác di chuyển về phía tay trái để có thể quan sát tốt hơn. Trong những hoàn cảnh như vậy, đi về bên phải đường lại thuận lợi hơn.
 
 
Cuộc cách mạng Pháp năm 1789 đã tạo ra một “động lực” to lớn cho việc đi lại bên phải ở “lục địa già” châu Âu. Trước khi cách mạng bùng nổ, tầng lớp quý tộc thường đi bên trái đường, buộc những tầng lớp thấp hơn như nông dân đi sang bên phải. Tuy nhiên, sau “cơn bão” Bastille (ngày người dân Pháp phá ngục Bastille, châm ngòi cuộc cách mạng lật đổ chế độ quân chủ) cùng những sự kiện tương tự, giới quý tộc bắt đầu “khiêm tốn” hơn và đi sang bên phải đường như nông dân. Quy định chính thức về đi bên phải đường được ban hành vào năm 1794.
 
Các cuộc chinh phạt của Napoleon lan truyền tục lệ đi bên phải đến một số quốc gia như Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Thuỵ Sĩ, Đức, Ba Lan và nhiều dùng lãnh thổ thuộc Tây Ban Nha, Ý. Người ta cho rằng căn nguyên là vì Napoleon thuận tay trái, nên ông ta thấy thoải mái hơn khi ở bên phải đường. Tuy nhiên, một số nơi “ghét” Napoleon vẫn giữ thói quen đi bên trái đường, như Anh, Đế quốc Áo - Hung hay Bồ Đào Nha.
 
Một thuyết khác lại cho rằng chuyện đi bên tay phải thực chất là kết quả là nạn phân biệt giới tính. Các quý bà cưỡi ngựa bên trái, nên để thể hiện “ta là quý ông” thì cần đi bên phải. Dù nguyên nhân thực sự là gì, thì sự phân chia trên vẫn tồn tại khoảng hơn 100 năm, đến tận sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất.
 
 
Trải qua nhiều năm, phần lớn các nước đều đi theo xu hướng lái xe bên phải đường nhưng Anh là một trong những ngoại lệ. Với việc mở rộng đường xá vào những năm 1800, mỗi quốc gia đều đưa ra những luật lệ giao thông của riêng mình. Lái xe bên trái trở thành quy định bắt buộc ở Anh vào năm 1835 và những nước từng là thuộc địa của Anh cũng tuân thủ theo, bao gồm Ấn Độ, Úc... trừ Ai Cập. Nước này bị Napoleon xâm chiếm trước khi thuộc sự kiểm soát của Anh.
 
 
Nhật Bản chưa bao giờ là một phần của đế quốc Anh nhưng áp dụng quy tắc đi bên trái. Lịch sử của thói quen trên bắt nguồn từ thời Edo (1603-1868) và đến năm 1872 gần như đã được công nhận. Đây là năm tuyến đường sắt đầu tiên của Nhật Bản đi vào hoạt động với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Anh. Dần dần, một mạng lưới đường sắt cũng như các tuyến tàu điện được xây dựng và tất nhiên, các phương tiện đều đi bên tay trái. Khoảng nửa thập kỷ sau (năm 1924), lái xe bên trái chính thức có trong luật.
 
 
Trong những năm đầu bị Anh đô hộ, các nước Bắc Mỹ cũng tuân thủ phong tục lái xe bên trái. Nhưng sau khi giành độc lập, dần dần, họ chuyển sang lái xe bên phải. Quy định được thông qua tại bang Pennsylvania của Mỹ vào năm 1792, New York (1804) và New Jersey năm 1813.
 
 
Một số vùng tại Canada giữ thói quen lái xe bên trái cho đến cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Phần lãnh thổ do người Pháp kiểm soát áp dụng quy tắc đi bên phải, phần lãnh thổ thuộc sở hữu của Anh (British Columbia, New Brunswick, Nova Scotia, Prince Edward Island và Newfoundland) lại đi bên trái đường. Sau đó, British Columbia và các tỉnh thuộc Đại Tây Dương chuyển sang lái xe bên phải vào thập kỷ 20. Newfoundland tiếp tục lái xe bên trái cho đến năm 1947.
 
Vào những năm thập niên 1960, Anh cân nhắc đổi sang lái xe bên phải nhưng các lực lượng bảo thủ đã tìm đủ cách để điều đó không xảy ra. Cộng với thực tế chi phí có thể tên tới hàng tỷ Bảng, nước này từ bỏ ý định.
 
Quốc gia gần đây nhất thực hiện chuyển đổi là Samoa, họ chuyển từ đi bên phải sang đi bên trái. Nước từng là thuộc địa của Đức đưa ra quy định mới để có thể nhập khẩu xe giá rẻ từ New Zealand và Australia. Phe phản đối cảnh báo sự hỗn loạn, nhưng thực tế, vào 5 giờ sáng ngày 7/9/2015, khi thông báo chính thức đưa ra, tất cả lưu lượng giao thông dừng lại và chỉ mười phút sau, tất cả bắt đầu lại bình thường, chỉ khác là, lái xe giờ đã đi về bên tay trái và hoàn toàn suôn sẻ.
 
Theo tính toán, hiện có khoảng 1/3 dân số thế giới lái xe bên tay trái. Trong khi Việt Nam áp dụng quy định lái xe bên phải đường thì một số quốc gia châu Á khác làm điều ngược lại, có thể kể đến Thái Lan, Bhutan, Bangladesh, Hongkong, Brunei, Nepal, Ấn Độ, Indonesia, Macau, Nhật, Malaysia, Pakistan, Singapore, Sri Lanka...
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn