Kỹ nghệ vượt xe trên đường

Học vượt xe là một kỹ năng không thể thiếu với những người bắt đầu làm quen với “vô lăng” và tôi chắc hẳn các bác lái xe cũng đã từng kinh qua một thời “chân đạp ga, tay run run” khi thầy dạy lái xe ngồi bên ra lệnh vượt xe chạy trước.

Xét một cách toàn diện thì việc thực tập vượt xe của dân ta lúc đi học lái là vô cùng ít, thế cho nên số tai nạn xảy ra trên đường phần lớn do vượt ẩu mà ra âu cũng là điều dễ hiểu.
Điều 14 quy định việc vượt xe trong luật giao thông đường bộ thì... rõ ràng là đúng đắn, đầy đủ và chặt chẽ rồi.  Tuy nhiên, trước đặc thù và thực trạng giao thông ở Việt Nam ta, dù có “bay như vượn, lượn như chim”, võ nghệ đầy người như chị “Ngọa hổ tàng long” Dương Tử Quỳnh thì cũng sợ đến nỗi không dám sang đường một mình. Để xin vượt, dân ta thường truyền nhau các miếng võ dân gian khác mà tôi xin chia sẻ dưới đây.
 
Xe địch đẹp hơn xe ta
Kim chỉ nam trong trường hợp này là “vua thua thằng liều”. Tâm lý đi xe ai mà chả ngại va chạm, xe càng đẹp càng ngại, càng giàu càng sợ chết. Nắm được yếu điểm đó, nên khi xin vượt loại xế hộp xịn, các bác nhà mình thường nhấn ga cho xe ta "ngửi" sát đít xe địch, càng sát càng tốt, chớp đèn liên tục, còi liên hồi... Mấy bác xe đẹp mặc dù không muốn nhưng sợ nên thường né sớm. Nếu xế hộp mà do các mợ cầm lái thì đảm bảo chỉ cần một "dí" là ngon, phụ nữ họ vốn yêu chuộng hòa bình, mà các cậu cầm lái cũng không cần dí đến lần thứ ba. Tuy nhiên, xin đường kiểu này là xin cưỡng ép nên thường được khuyến mại thêm vài câu chửi, mà dọa dẫm người khác kiểu đó thì cũng chỉ các tài “già” mới dám làm thôi.
 
Xe ta đẹp hơn xe địch hoặc xe địch ngầu hơn xe ta
Địch xấu hơn thì rõ rồi, còn ngầu hơn có thể hiểu là loại chở nặng, kềnh càng như xe tải, container hay bus. Với trường hợp này thì phương châm nằm lòng là “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”. Dí đít dọa dẫm à? Đừng có mơ! Còn còi thì dẫu luật có cho phép cũng nên quên đi cho nhanh. Xe đẹp còi nhiều dễ bị cho là hợm hĩnh, khoe của, ghét! Mà đã “con gà tức nhau tiếng gáy” rồi thì quên đi em nhé, đây chưa thích thì cứ lẽo đẽo mà theo. Còi nữa thì cho cái đèn phanh nhá nhá vào mặt. Còn vẫn cứ còi thì... "vẫy đuôi" ra một tý, cậu nào hung hăng nhoi lên sẽ bị địch tăng ga theo cho cu cậu hoảng, tay lái non ăn đòn như chơi. ở đây, khi xin vượt nên giữ khoảng cách an toàn, rồi êm ái nháy pha là tác dụng nhất, chưa được thì một lúc sau hãy nháy lại. Điềm đạm, nhẹ nhàng "xin xỏ" là họ cho thôi. Đặc biệt, với các bác xe “ngầu” thì chớ có bao giờ sốt ruột. Đừng vội vàng quy kết họ là “vua xa lộ” hay “hung thần trên phố” cậy quyền cậy thế thích cho ai thì người đó được qua, mà đôi khi đơn giản là việc tạt ra - tạt vào, về số - lên số của các bác to phục phịch, dài loằng ngoằng này không dễ tẹo nào, vả lại họ thường phải chịu áp lực hơn ta rất nhiều.
 
Xe ta và xe bạn xấu như nhau
Đến đây thì hết khái niệm ta và địch, chỉ còn tình đồng chí thắm thiết, xe xấu toàn thế giới liên hiệp lại. Mà đã là bạn bè thì việc xin vượt tương đối đơn giản, chỉ cần lịch sự chớp pha, còi nhẹ nhàng “tin tin tin tin” kiểu như “bia thôi anh ơi” là được. Thậm chí có bác dùng cả xi-nhan trái để xin vượt cũng xong. Tuy nhiên, khi qua được rồi thì các bác nên dứt khoát vượt xa hẳn lên, chớ có trám vào trước mũi xe họ mà gây ức chế cho đồng đội.
 
Ở nước ta hiện nay có hàng trăm cơ sở dạy lái xe, riêng Hà Nội đã có vài chục. Luật thì vẫn vậy thôi, tuy nhiên mỗi cơ sở thường có đặc thù riêng, mỗi thầy lại có “võ” độc của mình nữa. Tuy nhiên, ở bất cứ cơ sở nào, học viên cũng luôn được truyền một kinh nghiệm xương máu đó là: muốn vượt thì phải tôn trọng xe phía trước. Thực tế chỉ ra rằng, khi bị xin đường, các tài già đi trước thường liếc xem đằng sau là thằng nào, cung cách xin đường của nó ra sao để quyết định. Đừng nghĩ là pha chớp lia lịa, còi inh ỏi, nhấn ga hung hăng là được lên nhé. Nhưng khi đã đồng ý thì họ sẽ tạo điều kiện như chạy chậm, nép sát, tao khoảng cách đủ rộng... giúp xe sau vượt lên an toàn. Chắc các bác cũng như em, khi vượt xe, ai mà chả muốn được như vậy.
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn