Giáo viên nhạc ‘nhào nặn’ Citroen La Dalat

Lê Tứ Hoàng Hôn - một giáo viên âm nhạc tại Sài Gòn sau khi mua được chiếc Citroen La Dalat với giá 55 triệu đồng và sử dụng được một năm đã nổi máu độ xe. Với cảm hứng nghệ sỹ vốn có, người đàn ông này đã “nhào nặn” chiếc xe theo một cách “không giống ai”.

Chiếc xe có những chi tiết phá cách lạ mắt như cản trước kiểu hàng rào với hoa văn hình logo Citroen, cản sau bằng inox gò nẹp hình tam giác ngược, cặp ống đựng đạn DKZ gắn trên chắn bùn bánh trước, mâm gin 15inch bổ sung nắp chụp ngoài mạ crôm thời trang, khung bệ hình thoi đỡ gương chiếu hậu nhô ra gai góc. Và nhất là dàn ba-ga mui ngoại cỡ được ráp bằng các ống inox to bản uốn cong trông “hổng ai giống tui”. Anh Hoàng Hôn chậm rãi chia sẻ: “Không phải mình cố tình làm vậy cho ra chất nghệ sĩ, vì tôi cũng đã “giải quyết” mái tóc dài bồng bềnh và bộ râu rất “điện ảnh”, nhưng tôi nghiệm thấy nếu trong người có chất nghệ sĩ thì thường làm cái gì đó thật lạ. Nên tôi đã biến xe mình không “đụng hàng” với bất kỳ ai”.
 
 
 
 
 
Sau khi mua xe với giá 55 triệu đồng và sử dụng được 1 năm, anh bắt đầu nổi máu ghiền “độ xe” khiến nhiều đêm trằn trọc mất ngủ, phải bật dậy lấy giấy bút phác thảo kiểu dáng “chiếc xe trong mơ”,  vừa bay bổng nhưng đồng thời cũng mạnh mẽ. Vốn chỉ chuyên tâm vào những nốt nhạc nên “trình” vi tính sử dụng phần mềm vẽ đồ họa phối cảnh 3D để thiết kế xe hơi của anh Hôn chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Vì vậy, khi xe đã xong, ngồi xem lại hàng xấp “bản vẽ thiết kế xe” ngô nghê của mình, anh thú thật rất buồn cười vì có lẽ không kỹ sư thiết kế xe hơi nào có thể hiểu nổi những đường nét vẽ nhặng xị rối bời lúc ấy. Khác với dân buôn xe thường săn tìm xe lạ rồi dọn sơ sài chủ yếu để bán, anh làm để bản thân sử dụng và chiêm ngưỡng nên rất tỉ mỉ trong từng nét bút mô tả ý định độ xe và khâu chọn phụ tùng. Giai đoạn thiết kế cửa xe anh mất 2 tháng trời hình dung suy tính. Chuyện thợ không làm đúng ý, anh yêu cầu phải sửa lại xảy ra như cơm bữa. Ví dụ ba-ga inox mui xe ban đầu nối các ống inox từ đuôi xe chạy suốt lên khung kính chắn gió. Nhưng thực tế làm xong anh ngắm thấy “vô duyên” quá nên bỏ, dù cũng rất tiếc tiền. Nhiều người khuyên anh nên gắn bạt phủ ba-ga mui để che mưa che nắng nhưng theo anh thì tấm bạt sẽ che khuất các đường nét từ kiểu dáng độc đáo của xe, thêm nữa là loay hoay tháo xếp bạt rườm rà… nên giải pháp của anh là gắn tấm che mui bằng kính cường lực. Lưới tản nhiệt cũng chế lại liền lạc, không còn lỗ đút tay quay khởi động. Phần táp-lô được lắp hệ thống công-tơ-mét mới thể hiện đầy đủ thông số kỹ thuật.
 
 
 
 
 
 
 
Chiếc xe rất được chú trọng phần làm đồng, gia công khung sườn và gầm xe rất cứng, tốn khoảng 55 triệu đồng. Thêm khoản tiền sơn xe là 30 triệu đồng, chưa kể “phí bôi trơn” để xin thay màu trắng bằng màu đỏ tốn 3 triệu đồng. Đặc biệt, rất cầu kỳ và nguyên tắc chính là những con ốc vít của xe tuy nhỏ xíu nhưng đều phải săn mua đúng hàng chính hãng với giá 200 nghìn đồng/con ốc, vì nó được thiết kế không giống quy chuẩn trên các loại xe phổ thông khác. Ren của nó “lai lai”, không 6 ly mà là 5, 7, 9 hoặc 11 ly. Khi bị tuột mất con ốc đó là phải đi mua đúng loại chứ không thể thay con ốc nào khác. Nếu chế tiện vặn vào nó sẽ bị “non”. Tốn kém nhất là với mấy con ốc bắt bánh xe giá 350 nghìn đồng/con (gồm con tắc-kê 200 nghìn và con bù-loong ngoài 150 nghìn). Kế đó, việc nâng cặp phuộc giò gà trước để xe cân đối cũng ngốn rất nhiều tiền. Trải qua 6 tháng, tổng cộng số tiền độ xe là trên 140 triệu đồng, gấp gần 3 lần tiền mua xe.
 
Anh Hoàng Hôn cho biết mẫu xe La Dalat nguyên thủy trông “xấu hoắc” nên anh hoàn thiện phần ngoại thất với kiểu dáng mới. Đến khi hoàn thành, vẻ ngoài chiếc xe cho thấy nó có một số nét tương đồng với mẫu xe Jeep lùn, như phần đầu xe với các bề mặt dập gờ “vuông thành sắc cạnh”, hay các chi tiết như đèn xi-nhan, đèn stop, bình xăng, gờ viền bửng chắn bùn và lườn xe, tấm ốp ở 2 góc vuông đuôi xe…
 
Máy gin đạt chuẩn kiểm định 6 tháng/lần
 
Đang “say máu” độ xe nhưng đến phần máy xe thì anh thấy nên… dừng, chỉ tập trung phục hồi từ A đến Z. Sau khi lên danh sách chi tiết phụ kiện động cơ chính hãng cần nhập kéo thành một danh sách dài ngoằng và đồng hành với nó là điệp khúc “chờ đợi – đốc thúc” mong hàng về sớm. Số tiền bảo dưỡng động cơ cũng phình to theo hàng trăm món phụ kiện phải thay bằng hàng gin mới và hạng mục phải sửa chữa. Anh cũng kể vanh vách giá tiền từng khoản phải chi ra sao: cánh quạt giải nhiệt 2,2 triệu đồng, IC 1,5 triệu đồng, bộ vít lửa… cộng tổng chi phí làm máy là 60 triệu đồng. Không những tốn tiền mà anh còn mệt bở người vì khởi đầu gặp nhầm tay thợ không chuyên phục hồi máy xe cổ nhưng cứ nhận bừa để ẵm trọn số tiền của anh. Tình thế buộc anh phải kéo xe lên garage chuyên sửa xe cổ ở Củ Chi cách nhà khá xa để làm lại. Chưa hết, xe làm xong lại đến khâu kiểm định và anh lại vất vả vượt qua các “cửa” khó nhọc kiên trì như thể “cá vượt vũ môn”. Kết quả anh được “đền đáp” là hạn kiểm định theo kỳ hạn 6 tháng, chứ bình thường dạng xe như anh là cứ 3 tháng/lần phải “đáo… kiểm định”.
 
 
 
Chở tôi dạo một vòng quanh vài con phố Sài Gòn đúng giờ tan tầm nhộn nhịp, anh cho biết thước lái nguyên thủy rất nặng, lại thêm xe lên bánh lớn nếu vẫn để thước lái như cũ thì quả thực không thể xoay chạy nổi nên anh làm lại thước lái hết 6 triệu đồng. Về tốc độ tối đa theo thợ máy cam đoan là trên 100km/h. Hiện xe đang chạy rốt-đa với tiếng máy êm đều đặn nhưng bộ giảm xóc kiểu phuộc giò gà làm thân xe khá “chòng chành” ngay cả khi chạy thẳng. Thấy tôi ngẩn người khi nhìn anh xoay “tứ tung” cái ngoéo cần số nằm bên phải ngay dưới vô-lăng, anh bật cười: “Mấy tay đi xe đời mới dù lâu năm kinh nghiệm rành chạy xe cỡ nào cũng khó mà biết cách điều khiển được cần số của chiếc xe tuổi đời gần nửa thế kỷ này. Vì khi ấn vào đẩy tới là sang số… lùi. Muốn sang số khác phải nhanh tay thụt tới thụt lui cần số rồi lắc đúng khớp. Vì vậy, mỗi lần gửi xe trong bãi dù anh gửi luôn chìa khóa xe nhưng không ai biết chuyển số nên muốn xếp xe lại phải xúm vào đẩy”.
 
 
 
 
 
Vốn là nhạc sĩ bận rộn dạy piano, violon, organ, guitar và thanh nhạc với lịch lên lớp dày đặc nên anh Hôn chơi xe theo kiểu ngẫu hứng cá nhân chứ chưa tham gia hội xe nào. Bên cạnh đó, thoáng chút trầm ngâm, anh chia sẻ: “Không biết để “trả giá” cho niềm đam mê độ chế xe thì những người khác đã mất những gì? Riêng tôi thì năm vừa qua “cày” được bao nhiêu là hầu như tiêu tốn sạch vào chiếc Citroen La Dalat này. Và buồn nhất là gần 40 tuổi rồi nhưng bản thân tiếp tục… “sầu lẻ bóng” vì cô bạn gái thân thiết nhắm chừng tôi thuộc dạng “mê xe hơn mê vợ” nên quyết định không tiến tới hôn nhân nữa”.
 
Dù có nhiều khó khăn trong cả đời sống vật chất lẫn tinh thần, nhưng Lê Tứ Hoàng Hôn nói rằng không thể từ bỏ niềm đam mê xe đã chót nhiễm vào người. “Thói quen chạy xe hàng ngày là tôi luôn để ý ngắm nghía những chiếc xe độc lạ khác, nếu thấy xe mình giống xe đấy ở chi tiết nào là về thay hàng “lạ” ngay. Chỉ cần trong đầu len lỏi ý nghĩ có một chiếc xe thứ hai nào đấy trông giống xe mình là “khó chịu” lắm! Phải đem xe độ chế sao cho khác mới thôi bứt rứt”, anh tâm sự.