Độ SYM Attila cũ thành Zoomer

Với chi phí rẻ bất ngờ và không cần phải sử dụng máy móc kỹ thuật phức tạp, một chủ xe ở miền Tây Nam Bộ vừa chế chiếc xe tay ga SYM Attila “đít bầu” đời 2004 theo phong cách xe Zoomer với ngoại hình bắt mắt và cải thiện khả năng vận hành.

Cùng với “đàn chị” Chaly, Zoomer là một trong số ít những mẫu xe thuộc dòng minibike của Honda đã tạo được sức hấp dẫn đối với đông đảo người sử dụng xe máy trên khắp thế giới, kể từ khi ra đời tại Nhật Bản vào năm 2002. Tại Việt Nam, xe Zoomer đời 2013 mới có giá bán lên tới gần 90 triệu đồng cho phiên bản trang bị động cơ 50 phân khối phun xăng điện tử. Dù giá xe khá đắt đỏ nhưng có không ít tay chơi xe Việt còn chịu chi thêm từ 50-80 triệu đồng để độ chế chiếc Honda Zoomer gin trở nên cầu kỳ bóng bẩy hơn.
 
Bên cạnh đó, có những người như anh Hiệp (biệt danh Hiệp “Atti-Zoom”) quanh năm gắn bó cùng mảnh ruộng và vườn ao chuồng trại nhưng cũng luôn cháy bỏng niềm đam mê độ xe Zoomer. Vì túi tiền eo hẹp nên anh đã nảy ra ý tưởng độc đáo đó là tận dụng ngay phụ tùng xe máy của chiếc Attila cũ kỹ của mình (giá bán lại khoảng 5 triệu đồng) vốn bỏ xó đã lâu ở góc nhà để biến nó thành mẫu xe theo kiểu Zoomer.
 
 
Ngay từ khi bắt đầu “dự án”, chiếc xe độ của anh đã có nét độc đáo vì hầu như chưa ai lấy một chiếc xe tay ga khác để độ kiểu Zoomer. Hơn nữa, trong 3 tuần làm xe, anh không săn phụ tùng độ chế ở nước ngoài mà tỉ mỉ phân loại tận dụng nhiều món “cây nhà lá vườn”, đồng thời mượn dụng cụ máy móc cắt-gò-hàn từ bạn bè làm nghề cơ khí, để tiết kiệm kinh phí cũng như còn phải dành phần lớn thời gian cho công việc mưu sinh.
 
Theo anh, với tổng chi phí độ gói ghém trong 8 triệu đồng, anh không thể mơ tới việc kéo dài thân xe, hoán đổi vị trí động cơ, lắp dàn bánh xe “khủng” như giới chơi xe Zoomer “xịn” thường làm. Sơ sơ nếu dọn theo đồ hàng hiệu, chỉ riêng bộ pát giữ máy độ đã trị giá trên 10 triệu đồng, pô tăng tốc 12 triệu...
 
 
Công việc đầu tiên khi độ Attila là tháo bỏ triệt để các chi tiết bên ngoài. Hầu như mọi thứ đều bị cho “ra đi” tất tần tật. Nào là lớp vỏ nhựa bao bọc thân xe, cốp đựng đồ, cho đến đèn pha, đèn stop, yên xe.
 
 
Sau đó, phần khung sườn xe phía đuôi cũng bị cưa cắt ngắn lại 20cm nhằm tạo cảm giác phần thân dưới hai bánh xe dài hơn. Thậm chí chẳng chừa cả đèn xi-nhan, gương chiếu hậu, đồng hồ công-tơ-mét… Sau khi ngắm nghía chiếc xe chỉ còn trơ bộ khung sườn, ghi-đông và động cơ, anh “mạnh dạn” bỏ hẳn dàn đèn xi-nhan, cụm đồng hồ công-tơ-mét để tăng thêm chất bụi bặm.
 
 
Bệ đỡ yên xe được anh Hiệp tạo hình từ vật liệu ống sắt mua ở vựa phế liệu. Nhằm tạo nét riêng, anh không uốn đoạn chân ống sắt nhô ra như của Zoomer mà vuốt xéo về sau chạy song song với sườn xe theo kiểu khí động học. Kết hợp phần đuôi xe được cắt gọn gàng, không có tay nắm yên sau nhô cong lên như xe Zoomer, nên góp phần tôn dáng xe choãi ra vững chãi như hình thang cân.
 
 
Với cặp đèn pha tròn như mắt bọ ngựa, vốn là chi tiết đặc trưng trên một chiếc Zoomer, anh bất chọt nghĩ tới ánh đèn pin phát ra trên đầu những người đi… soi nhái bắt ếch trên đồng, và thế là ngay lập tức cặp đèn phong cách “hai lúa” rất riêng đã ra đời.
 
 
 
Để có bộ đèn stop sắc sảo cá tính. Chủ xe lấy 1 thanh đèn LED bé xíu như cây thước kẻ của cậu học sinh, rồi dùng dây nịt nhựa để cố định nó vào đoạn sườn xe. Góp phần tạo nên dáng xe gọn gàng chặt chẽ, chiếc xe độ đã “thửa” cặp vè chắn bùn của một loại xe tay ga khác, sau đó đem “nhúng nước sôi” rồi uốn cong và bắt vít gắn cho nó ôm sát vào bánh béo.
 
 
Với quyết định làm một chiếc xe “trông hao hao” nhưng có nhiều nét gai góc hơn Zoomer, anh không gắn hộp chứa đồ dưới trụ tay lái, cũng không có yếm chắn gió che chắn trụ này nên dáng xe ở phần này trông khá dị. Ngoài ra, xe tạo nhiều ấn tượng với ghi-đông độ chữ V nằm ngang kiểu 2 tầng như cánh chim dang rộng sắc sảo và mạnh mẽ. Thanh trợ lực tay lái bắt vào phuộc bánh trước và trụ ống sườn xe. Ống pô độ tăng tốc gắn kiểu vát chéo 45 độ, khi xe nổ máy tạo âm trầm lớn uy lực hơn và hỗ trợ xe chạy nhẹ máy hơn. Họng bô e gắn nắp chụp mạ crôm màu. Đông cơ 125 phân khối cũ của xe vẫn còn bền bỉ chưa phải sửa chữa gì, anh Hiệp chỉ thay bình xăng con để tiết kiệm nhiên liệu.
 
 
Sau khi chiếc xe hoàn thành, anh Hiệp chia sẻ: “Tôi lấy ý tưởng kiểu dáng từ Zoomer rồi tận dụng bất kỳ xe tay ga nào khác để làm theo. Vì vậy, không bắt buộc phải có nhiều tiền mới tạo nên chiếc xe độ như ý”.
 
 
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn