Xe Nhật Bản bị ép bỏ triển lãm ở Trung Quốc
Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang tiếp tục là nạn nhân của những trò “không đứng đắn” đang diễn ra tại Trung Quốc xuất phát từ tranh chấp lãnh thổ. Mới đây nhất, họ vừa bị yêu cầu không tham dự một triển lãm ôtô diễn ra ở vùng đông bắc Trung Quốc.
Triển lãm ô tô với quy mô trưng bày lên đến 150.000 m2, diễn ra trong 6 ngày tại Thẩm Dương, thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) sẽ kết thúc vào chủ nhật tới đã không xuất hiện các thương hiệu xe hơi Nhật Bản. Tuy nhiên, chuyện lạ là trước đó ban tổ chức đã đăng thông tin quảng cáo từ tháng 6 về triển lãm và có nhắc tới những hãng xe Nhật tham dự. Tại các gian hàng dành cho các thương hiệu Nhật Bản, hiện tại được sử dụng để trưng bày phụ tùng ô tô và xe hơi cổ. Khách thăm quan được khuyên nếu muốn tìm hiểu thì nên đi trực tiếp tới các đại lý xe Nhật.
"Hai ngày trước khi chương trình diễn ra, ban tổ chức thông báo cho chúng tôi phải rút lui khỏi triển lãm", ông Qi Lin, giám đốc tiếp thị của Guangqi Honda tại Thẩm Dương nói. “Rõ ràng, điều này có liên quan đến vấn đề tranh chấp quần đảo Điếu Ngư và không khí chính trị căng thẳng giữa hai chính phủ. Chúng đang gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế hai nước”.
Tại triển lãm ô tô trong những năm qua, các hãng xe Nhật Bản luôn thuê gian trưng bày lớn để thu hút khách hàng tiềm năng người Trung Quốc với các mẫu xe mới được trưng bày, thu hút lượng đông người đăng ký mua trực tiếp. Bằng kinh nghiệm của mình, giám đốc tiếp thị Qi Lin cho rằng xe Nhật Bản thường chiếm 1/3 tất cả các doanh số bán hàng tại một triển lãm ôtô gộp lại.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, việc kéo dài dai dẳng tranh chấp qua lại giữa hai nước về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đã khiến doanh số bán hàng của xe hơi Nhật tại Trung Quốc trong tháng 9 giảm 40,8% so với cùng kỳ năm ngoái.Trong khi đó, lượng tiêu thụcủa xe Đức, Mỹ, Hàn Quốc và Pháp trong tháng 9 tăng tương ứng mức13,8%, 15,1%, 9,4% và 9,2%.
“Mặc dù chính phủ Trung Quốc không ra lệnh cho các cơ quan chính phủ, người dân tẩy chay hàng hóa Nhật Bản, nhưng rõ ràng nhu cầu mua hàng hóa Nhật của người tiêu dùng Trung Quốc đã hạ xuống thấp. Tôi còn nghe nói nhiều giao dịch dở dang bị hủy bỏ”, ông Ryoji Takagaki, Phó Tổng lãnh sự thuộc Lãnh sự quán Nhật Bản tại Thẩm Dương cho biết. “Hiện chưa có doanh nghiệp Nhật Bản nào rút lui khỏi đông bắc Trung Quốc trong bối cảnh tranh chấp đảo.Tuy nhiên, phải đối mặt với nhu cầu giảmvà chi phí lao động tăng cao, các công ty Nhật Bản sẽ phải xem xét, tìm tới một lối thoát mới. Có thể họ sẽ để ý tới môi trường đầu tư trong khố iASEAN”.
Ngành công nghiệp ôtô là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất sau đợt biểu tình quá khích ở khắp Trung Quốc trong 2 tháng vừa qua. Người Trung Quốc đã tránh xa thương hiệu Nhật Bản vì lo lắng tài sản của họ sẽ là một mục tiêu hướng đến trong cuộc biểu tình chống Nhật. Đã có nhiều người vô cớ bị người khác hành hung chỉ vì đi xe Nhật. Tại triển lãm ôtô Thẩm Dương, một khách tham quan giấu tên cho biết ông đã mua một chiếc xe hơi Nhật Bản, nhưnglo rằng nó sẽ bị đập phá nếu quan hệ Trung-Nhật trở nên tồi tệ hơn.
Những diễn biến trên cho thấy sẽ rất khó có cửa cho sự trở lại ổn định làm ăn của các hãng xe Nhật trên đất Trung Quốc bởi “đòn thù” dai dẳng đang ngấm dần và lan tỏa trong mọi lĩnh vực kinh tế tại đất nước đông dân nhất Thế giới. Hay nói cách khác, Trung Quốc đang gây khó dễ cho chính phủ Nhật bằng bài toán kinh tế, nhưng cũng đang tự mình làm xấu đi hình ảnh với giới đầu tư nước ngoài.