Xe buýt “sạch” Việt Nam khó vừa “túi tiền” doanh nghiệp

Sản phẩm xe buýt chạy bằng khí nén thiên nhiên (CNG) đầu tiên đã được sản xuất tại Việt Nam, nhưng có giá gần 3 tỉ đồng, gấp đôi xe chạy dầu, khiến cho các doanh nghiệp vận tải công cộng dù nhìn thấy lợi ích hiển nhiên với xã hội, nhưng cũng chỉ biết… chờ!

Xe buýt chạy bằng khí CNG được thí điểm tại TP. HCM cách đây 3 năm đã cho thấy hiệu quả nhất định về mặt môi trường và tiết kiệm nhiên liệu. Phương tiện này tiết kiệm được nhiên liệu khoảng 30% so với chạy dầu diesel. Cụ thể, xe sử dụng dầu diesel chạy 100km tốn khoảng 500.000 đồng, trong khi đó sử dụng khí CNG chỉ tốn khoảng 340.000 đồng.
 
Tuy nhiên, bất cập lớn nhất hiện nay là giá thành loại xe buýt “sạch” trên còn khá cao, trung bình gấp đôi so với xe chạy dầu. Công ty xe khách Sài Gòn (Saigon Bus), đơn vị khai thác tuyến xe buýt xanh đầu tiên ở TP.HCM, đã từng nhập lô 21 xe chạy khí CNG từ Hàn Quốc với giá 2,4 tỷ đồng/chiếc trong năm 2011. Mới đây, công ty Samco Việt Nam cũng lắp ráp thành công xe buýt chạy khí CNG (City H75 – 75 khách), nhưng giá bán cũng gần 3 tỷ đồng. Theo nhà sản xuất, nếu được miễn thuế nhập khẩu động cơ, sát - xi và một số linh kiện lắp ráp, giá xe buýt CNG sản xuất trong nước có thể giảm còn 2,5 tỉ đồng. Vì vậy, trước mắt Samco mới chỉ ký bán được 1 lô xe cho dự án bổ sung thêm 300 xe buýt “sạch” do UBND TP. HCM đầu tư, mục tiêu nâng số xe lên 350 chiếc vào năm 2015.
 
Xe buýt chạy khí CNG do công ty trong nước Samco lắp ráp theo đề án của UBND TP. HCM. Ảnh: Saigontimes
 
Thực tế việc xuất hiện của loại xe buýt CNG trong thời gian này được coi là rất phù hợp với nhu cầu cấp thiết của xã hội. Bởi theo một số doanh nghiệp vận tải, hiện tại nhu cầu đổi xe là rất lớn, do hầu hết các xe hiện nay đã qua khai thác quá lâu, chất lượng xe xuống cấp nghiêm trọng, tác hại tới môi trường và khả năng điều tiết giao thông ngày càng kém hiệu quả. Trong khi số xe mới bổ sung thì chiếm tỷ lệ rất thấp. Vì thế nếu được đưa ngay những dòng xe buýt “xanh” vào kế hoạch thay xe mới là điều rất hữu ích cho toàn xã hội.
 
Tuy nhiên rào cản khiến cho lợi ích của buýt “xanh” dù nhìn thấy nhưng khó thực hiện là vấn đề vốn. Khi trả lời báo Thanh Niên, ông Phùng Đăng Hải - Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải TP.HCM, đơn vị hiện có số lượng đầu xe buýt khoảng 1.000 chiếc - cho biết đa số là xe cũ tới 10 năm và trên 10 năm, đã nêu ra cụ thể: “khoảng 200 xe trên 10 năm sắp xuống cấp, việc chuẩn bị thay xe đã phải bắt đầu từ bây giờ. Tuy nhiên, cái khó để đổi xe là vốn!”. Vì vậy, doanh nghiệp dù biết có những dòng xe tốt như vậy, có ích cho xã hội như vậy, nhưng vẫn phải chờ vào dự án đầu tư mới 1.680 xe buýt của Sở GTVT TP. HCM triển khai và chờ chính sách hỗ trợ của nhà nước để có những kế hoạch mua xe cụ thể.
 
Trước thực trạng xuống cấp và những lợi ích xã hội cấp thiết của hệ thống giao thông công cộng đô thị sẽ không thể nào giải quyết nổi nếu bỏ mặc cho doanh nghiệp! Sở GTVT TP. HCM cũng tiếp tục đề xuất lên UBND TP nhằm xin một cơ chế hỗ trợ lãi suất cao nhất cho các DN đầu tư mua xe buýt CNG. Vì có giải quyết được nguồn vốn mua xe thì mọi khâu vận hành kéo sau mới được thông suốt. Riêng những vấn đề về trạm nạp gas, bảo trì và vận hành không còn quá khó với các doanh nghiệp vận tải công cộng theo tuyến và đầu mối.
 
Nói tóm lại, cũng như phong trào hô hào dùng xăng sinh học (E5) thời gian qua càng làm càng lỗ, nếu chỉ hô hào và mơ ước mà không có một chủ trương nhất quán, một trách nhiệm lớn nào đứng ra lo cho dân thì không biết đến bao giờ xã hội mới được hưởng lợi từ những điều văn minh tối thiểu. Giao thông công cộng vẫn mãi cứ phải vá víu nhem nhuốc.
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn