Xăng dầu tăng giá, niềm tin tụt giảm

Giá xăng tại Việt Nam đã chính thức leo lên “đỉnh” cao nhất từ trước tới nay và đang đẩy niềm tin vốn mong manh của người dân và các doanh nghiệp xuống một mức mới.

Giá xăng lập mốc kỷ lục mới 25.640 đồng/lít sau khi điều chỉnh lên thêm 400 đồng/lít trong tối 7/7 vừa qua được cho là chưa có những ảnh hưởng ở tầm vĩ mô. Nhưng theo nhận định của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh trên VnExpress, sự điều chỉnh tăng liên tiếp từ đầu năm của giá xăng đang khiến người tiêu dùng bị sốc tâm lý trong bối cảnh sức mua còn yếu. Điều đó cũng sẽ kéo theo ảnh hưởng tới các doanh nghiệp. Và đây chính là một thách thức không nhỏ đối với niềm tin của người dân và doanh nghiệp.
 
Theo khảo sát của tổ chức thống kê Nielsen mới đây, 77% số người được hỏi khẳng định tiết kiệm là ưu tiên số 1.
Trong khi doanh nghiệp vẫn còn phải lo chống đỡ vòng xoáy suy thoái kinh tế, người tiêu dùng nỗ lực cân đối chi tiêu mỗi ngày thì giá xăng cứ lẳng lặng "leo thang". Để "đồng bộ" hàng loạt dịch vụ và hàng hoá cũng được đẩy giá lên mức mới gần như tức thời. Trao đổi với Sống Mới, chị Mai ở Hà Đông tỏ ra chán nản: “Mình vẫn phải nghe để biết nhưng bây giờ cũng chẳng biết tin lý do tăng giá như thế nào, mà có kêu cũng chẳng giải quyết vấn đề gì. Đi thì vẫn phải đi, nên xăng thì vẫn phải mua. Nhưng nói thật là chán lắm rồi, giá cả chợ búa lại sắp tăng tới nơi”. Trong khi đó, anh Đức sống tại Chương Mỹ chuyên lái xe tuyến đường Hà Nội-Điện Biên rầu rĩ trả lời: “Xăng dầu bây giờ như thế này, lại còn các khoản phí khác nữa, tôi chỉ còn kiếm được chưa đến nửa so với mọi khi. Nhưng vẫn phải chạy thôi, không thì có mà chết đói”.
 
Chính vì không kiếm được nhiều lợi nhuận vì nhiên liệu quá đắt mà các hãng vận tải cũng buộc phải điều chỉnh cước theo. Nhiều doanh nghiệp taxi cho biết, thời buổi cạnh tranh gay găt, ngoài chất lượng thì phí cước cũng là một yếu tố có tính ảnh hưởng cao. Bởi vậy, các hãng taxi cố gắng kìm giá sau mỗi lẫn xăng dầu tăng giá, song nhiên liệu nhiều lần vượt mốc kỷ lục thì họ cũng chẳng đủ sức để kìm cương nữa. Đó cũng là một trong những lý do cước taxi của Việt Nam luôn ở mức cao so với nhiều nước khác.
 
Biếm họa: Sa tế
 
1 lít xăng RON 92 về Việt Nam phải chịu tới 8.244 đồng tiền thuế và phí. Mức này tương đương 35% giá bán lẻ và bằng gần một nửa giá CIF nhập xăng dầu về cảng (16.444 đồng/lít)
Bàn về chuyện giá xăng "phi mã", chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả thẳng thắn nói trên VTC rằng: “Bản chất của câu chuyện là người ta không muốn giảm giá xăng dầu vì họ có rất nhiều lợi ích trong đó. Thế nên tôi cho rằng bàn chuyện giảm giá xăng dầu là hết sức vô nghĩa nếu cơ chế điều hành giá xăng vẫn như hiện tại”. Ông cũng nhận định để giải quyết được vấn đề này cần phải tách quyền lợi nhà nước ra khỏi quyền lợi doanh nghiệp. “Cứ điều hành xăng dầu kiểu này thì nhà nước và doanh nghiệp sẽ bắt tay nhau tăng giá là đương nhiên, cuối cùng chỉ người tiêu dùng chịu thiệt”, ông cho biết.
 
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định trên Pháp luật Xã hội, nếu tình trạng độc quyền vẫn còn duy trì như hiện nay, thì việc giá xăng trong nước tăng cao là điều dễ xảy ra. Theo ông, việc điều hành quản lý kinh doanh xăng dầu còn chưa minh bạch và việc để cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được hưởng “lợi nhuận định mức” - tức là được bù khi báo lỗ - là điều vô lý trong kinh doanh vốn có quy luật “lời ăn lỗ chịu”. 
 
Nhưng thời gian tới, giá xăng sẽ còn có thể leo cao hơn nữa như phân tích của ông Ánh: “Bộ Tài chính tuyên bố tăng 410 đồng/lít nhưng thực ra rõ ràng giá bán so với giá cơ sở thì vẫn chênh nhau tới 918 đồng. Họ bảo lấy 500 đồng từ quỹ bình ổn để bù vào. Thế thì nhiều khả năng nay mai họ sẽ tuyên bố, hết tiền trong quỹ bình ổn rồi, phải tăng tiếp, tăng bù cho bây giờ … Điệp khúc tăng cứ thế mà tiếp diễn không thể vãn hồi được”. 
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn