Vụ Mazda BT50: Khách hàng thua kiện, Trường Hải “mất” thì giờ

Cuối cùng vào ngày 28/3, Tòa án Nhân dân thành phố Vinh đã ra quyết định bác đơn kiện của khách hàng chiếc Mazda BT50 trong vụ kiện cáo và kéo theo rất nhiều tranh cãi "chửi bới" bát nháo trên mạng xã hội rầm rĩ hơn năm qua. Chủ xe Phan Văn Thông kiện Công ty Trường Hải Nghệ An về việc chiếc xe bán tải của ông tự dưng lăn ra "chết". Khám xe cho thấy động cơ bị vỡ, tay biên gãy với dấu hiệu có nước lọt vào. Vụ tranh cãi dây dưa trong thời gian dài mà cả 2 bên đều không đạt được thỏa thuận, cho tới khi ra tòa. Chủ xe đã thất bại trong việc đòi Trường Hải phải "xin lỗi" ở phiên xử này.

Vụ kiện xe Mazda BT50 Trường Hải
 
Kết thúc vụ kiện giữa anh Phan Văn Thông (Hà Tĩnh) chủ xe bán tải Mazda BT50 và Mazda trong việc đòi hỏi bồi thường hư hại xe. Tòa đã xử bên hãng xe dưới tư cách là bị đơn được thắng kiện với các chứng cứ chứng minh được quyền miễn trừ trách nhiệm do lỗi hư hại sản phẩm từ phía người tiêu dùng. Vụ kiện này thực chất có thể coi là một vụ "cãi nhau" và là cơn bão chỉ trích phản đối rầm rĩ trên mạng xã hội ầm ĩ nhất trong làng xe năm qua. Vụ lùm xùm bắt đầu từ tháng 3/2016 khi anh Thông lái xe từ Bình Định đến TP. Đông Hà (Quảng Trị) thì xe bị hỏng máy, màn hình không hiển thị bất cứ đèn cảnh báo nào. Khi mở nắp ca-pô để điểm tra, anh Thông phát hiện dầu văng trong khoang máy, chảy xuống đất. Xe đang trong thời gian bảo hành và đã chạy được 26.000km.
 
Sau khi xe Mazda được đưa về Mazda Quảng Trị. Trước sự chứng kiến của khách hàng, Mazda Quảng Trị tháo nắp máy và thấy tay biên số 2 bị gãy, bên cạnh đó là vết muội than trên máy số 2 có màu sáng hơn, mỏng hơn, lệch 1mm so với các máy còn lại. Trên hộp chứa lọc gió và một số chi tiết động cũng cơ xuất hiện vết nước từ môi trường bên ngoài. Hãng thông báo nguyên nhân gây ra sự cố là hiện tượng thủy kích làm nước từ bên ngoài lọt vào động cơ. Xác định đây là lỗi sử dụng, hãng từ chối trách nhiệm bảo hành.
 
Sự việc bắt đầu dần nóng lên thành cơn bão phản đối khi anh Thông không chấp nhận thiệt hại với lí do duy nhất trong mọi cuộc tranh cãi rằng "anh chưa bao giờ đi xe ngập nước". Anh Thông yêu cầu hãng xe phải nhận trách nhiệm và đền bù mọi phí tổn theo dạng bảo hành sản phẩm. Đồng thời anh Thông cũng bắt đầu phát động một chiến dịch chia sẻ kêu cứu bày tỏ bằng những bài viết kể lể trên các diễn đàn và mạng xã hội. Câu chuyện ngay lập tức "nổ" theo cái lí chung của cư dân mạng là chửi bới phê phán và cãi nhau như "mổ bò".! Đủ mọi thành phần xã hội từ sinh viên học sinh bà nội trợ lái xe thợ thuyền giáo sư bác sỹ.. nam phụ lão ấu suốt một thời gian dài biến anh Thông thành một ngọn đuốc tử vì đạo tiêu dùng! Cho tới khi dư luận quá ầm ĩ, tranh chấp giữa hai bên dường như không còn là chuyện khôi phục chất lượng sản phẩm mà là chuyện "cãi nhau" hơn thua câu chữ. Một bên khách hàng khăng khăng đòi hãng phải nhận sai và xin lỗi cho sản phẩm hỏng, một bên thì không chấp nhận lỗi khi xe hỏng vì những chứng cứ phát sinh trong quá trình sử dụng. Những vụ cãi nhau rầm rĩ chủ yếu trên các diễn đàn xã hội được đẩy lên cao trào theo cách rất quần chúng như chia phe, chửi thanh chửi tục, vận động quyên tiền mua ôtô khác, thậm chí cả hò reo cổ vũ cho hành động rất cực đoan khi anh Thông tuyên bố sẽ đốt xe. Một cuộc cách mạng bàn phím trong đó Mazda và Trường Hải mặc nhiên là tội đồ.
 
Tiếp sau đó khi có sự trợ giúp của diễn đàn xe Nghệ An đứng ra hòa giải, phía Trường Hải đã chia sẻ với khách hàng bằng việc chấp nhận  "hỗ trợ" chi phí để anh Thông sửa chữa xe, không gồm chi phí thủ tục giấy tờ đăng ký quản lý. Khi đó anh Thông không chấp nhận vì cho rằng xe chưa bao giờ bị ngập nước. Anh Thông yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm bảo hành theo chính sách, tức là đền bù chứ không đơn giản là “hỗ trợ”.
 
Một biên bản chia sẻ trên mạng xã hội về việc chấp nhận "hỗ trợ" sửa xe
 
Sau khi tranh cãi không thành, anh Thông khởi kiện vụ việc lên Tòa án Nhân dân TP.Vinh và yêu cầu Trường Hải bồi thường hơn 440 triệu đồng cho những chi phí phát sinh khi xe gặp sự cố. Tuy nhiên, ngày 28/3 vừa qua, tòa án đã bác bỏ hoàn toàn đơn kiện của anh với lý do anh không đưa ra đầy đủ chứng cứ ngoài những "lời nói"! anh Thông phải nộp án phí hơn 20 triệu đồng sau khi thua kiện. Mặc dù vậy anh Thông vẫn bày tỏ trên mạng rằng không chấp nhận kết quả phiên tòa. Anh cho biết sẽ kháng cáo và tiếp tục theo đuổi vụ kiện. Tuy nhiên, theo một vài thông tin lọt ra trên mạng dù chưa được kiểm chứng cho thấy anh Thông cũng đã đồng ý nhận tiền "hỗ trợ" thay mới máy xe nhưng vẫn bảo lưu quan điểm lỗi phải thuộc về Trường Hải Nghệ An!?
 
Rốt cục quanh câu chuyện này, mới thấy rằng nhìn rộng ra ngành công nghiệp ô tô nước ta còn lâu mới nên cơm cháo. Bởi chỉ là một vụ việc đơn thuần kỹ thuật, sản phẩm lỗi không phải chuyện hiếm gặp. Nhưng cách xử lý của cả cộng đồng từ cơ quan quản lý, khách hàng, doanh nghiệp cho tới hàng vạn ông bà "hóng hớt" đã biến chuyện thành ra như một rạp xiếc. Mọi tranh chấp hãy giải quyết trên phương diện pháp luật và bằng những lý lẽ chứng cứ, kiện cáo là quyền cá nhân cần được tôn trọng cao nhất nhưng gây bão và phát ngôn tùy tiện dù không ai cấm, nhưng cũng không phải là cách tử tế để bảo vệ người tiêu dùng. Chính vì vậy mà có một sự lạ là báo chí chính thống cũng rất "im ắng" trong vụ việc này, bởi họ không thể nói gì trước một việc đã khá rõ về nguyên nhân. Ở một vế khác từ doanh nghiệp, sự minh bạch cũng cần được vận dụng ngay từ đầu và kiên quyết. Công khai là điều tiên quyết vì trách nhiệm cũng như quyền lợi khách hàng. Dĩ nhiên càng không thể như ý kiến chia sẻ ngờ nghệch nào đó bảo Trường Hải cứ chấp nhận "bảo hành" thay vì “hỗ trợ”, để khách hàng cảm thấy ấn tượng trước sự “chịu chi” của hãng. Nhưng hãng nào đủ tiền mà chi cho đủ với đám đông sẽ hùa theo đòi đổi xe với tỉ lí do khác.
 
Tóm lại là dư luận vốn như gió chạy rông giữa đồng, không định hướng thì nát lúa, không tỉnh táo thì mất thời giờ.