VAMA xin giảm thuế ôtô, Bộ Tài chính không đồng ý

Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã đưa ra nhiều đề xuất liên quan đến việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành công nghiệp ôtô. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng chính sách điều tiết thuế TTĐB hiện hành đã phù hợp với các điều kiện xã hội – kinh tế và thông lệ của những quốc gia láng giềng.

Theo VAMA, vào năm 2018, Việt Nam sẽ hòa nhập toàn diện vào ASEAN nên ngành ôtô trong nước có thể tồn tại và phát triển phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách về phí, thuế của Chính phủ. Hiệp hội cho rằng cần có những chính sách ưu đãi sản xuất trong nước nhằm bù đắp cho chi phí sản xuất cao của các doanh nghiệp ôtô Việt Nam. Mức ưu đãi tương đương với 10% giá trị tính thuế TTĐB.
 
Theo tính toán của VAMA, hiện chi phí sản xuất một chiếc ôtô ở Việt Nam cao hơn một chiếc xe nhập khẩu từ Thái Lan hơn 20%, nguyên nhân là do sản lượng của Việt Nam nhỏ, trong khi thuế nhập khẩu linh kiện còn cao. Hiệp hội cũng đề nghị giảm thuế TTĐB cho xe con xuống còn 40% trong năm 2015-2016, 35% trong năm 2017 và còn 30% trong năm tiếp theo.
 
Đặc biệt, đối với dòng xe khách 14-16 chỗ, VAMA cho rằng nên bỏ hẳn thuế TTĐB bởi đây là dòng xe thương mại, cần thiết cho hoạt động đi lại của người dân. Hơn nữa, hiện các nước khác trong khu vực chưa ưu tiên sản xuất nên thúc đẩy dòng xe này sẽ là một cơ hội để Việt Nam trở thành nước xuất khẩu.
 
Tuy nhiên, Luật thuế TTĐB vừa được kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 13 thông qua đã không đưa ô tô vào diện sửa đổi. Bộ Tài chính cho biết các cam kết quốc tế của Việt Nam nói chung chỉ đề cập đến thuế nhập khẩu, chứ không cam kết về các loại thuế nội địa khác liên quan đến ôtô du lịch, trong đó có thuế TTĐB.
 
Trên thực tế, ôtô và linh kiện ôtô là những mặt hàng chịu thuế suất cao, kim ngạch lớn. Bởi vậy, khi thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu, ngân sách nhà nước sẽ bị giảm khá nhiều. Nếu giảm thuế TTĐB thì ngân sách nhà nước sẽ càng giảm nữa, trong khi vẫn không đạt được mục tiêu khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ôtô.
 
Dựa trên những khảo sát của Bộ Tài chính về chính sách thuế TTĐB của các nước trong khu vực, ở Việt Nam, thuế suất đối với xe con dưới 9 chỗ ngồi có dung tích 2.000 cm3 là 45%, bằng Singapore, Campuchia nhưng thấp hơn Lào và Malaysia. Tại Indonesia, mức thuế suất TTĐB có thấp hơn20% nhưng thuế trước bạ là 20% và phí đường bộ 2%, tính trên giá bán đã có thuế GTGT. Bởi vậy, Bộ đã không tiến hành sửa đổi biểu thuế suất trong lần sửa đổi thuế TTĐB trình ra Quốc hội cách đây chưa đầy một tháng.