Uber ra mắt “taxi bay”, tham vọng đưa dịch vụ đi chung xe lên bầu trời

Tại hội nghị thường niên Elevate 2018 diễn ra ở Las Vegas (Mỹ), Uber đã “trình diễn” concept máy bay mới nhất mà hãng dự định sẽ dùng làm “taxi bay” vào năm 2023.  

 
Mẫu concept mang hình dáng lai giữa máy bay và trực thăng, cất cánh theo phương thẳng đứng nhờ được trang bị 4 cánh quạt ở bốn góc. Cánh quạt thứ 5 gắn phía đuôi giúp phương tiện di chuyển về phía trước. Trường hợp một trong các cánh quạt gặp sự cố, những “thành viên” còn lại tiếp tục hoạt động để đảm bảo hạ cánh an toàn.
 
Uber cho biết máy bay sử dụng năng lượng điện. Ý tưởng của hãng là một “đội quân” gồm hàng nghìn chiếc “taxi bay” thực hiện công việc đón trả khách giữa các địa điểm bố trí trên tầng thượng các tòa nhà. Mỗi địa điểm được thiết kế với khả năng xử lý 200 lượt cất/hạ cánh mỗi giờ. Mới đầu, máy bay do phi công điều khiển nhưng sau đó sẽ vận hành tự động ở độ cao từ 300-600m.
 
 
Tuy nhiên, Uber không sản xuất máy bay. Nguyên mẫu công ty vừa ra mắt đóng vai trò như một nền tảng mà các đối tác như Bell Helicopters, Embraer và Pipistrel có thể sử dụng trong quá trình phát triển taxi bay của riêng họ.
 
Lần đầu tiên Uber công bố kế hoạch đưa dịch vụ đi chung xe lên bầu trời vào năm 2016 nhưng dự án vẫn gặp phải không ít trở ngại. Trên thực tế, kiểu máy bay Uber hướng tới với khả năng đón trả khách trên tầng thượng, sử dụng năng lượng điện, không người lái và cất/hạ cánh thẳng đứng chưa thực sự tồn tại, cơ sở hạ tầng cũng chưa hỗ trợ loại hình này.
 
 
Mặc dù vậy, những năm gần đây, ít nhất 19 công ty khác nhau đều đã thể hiện ý định cạnh tranh ở phân khúc “xe bay”, bao gồm những cái tên như Boeing, Airbus, Kitty Hawk (một startup thuộc sở hữu của người sáng lập Google Larry Page)...
 
Về phía mình, Uber có những bước đi quan trọng khi bắt tay với một số nhà sản xuất máy bay, các công ty bất động sản cùng cơ quan quản lý nhằm đem đến một dịch vụ taxi bay trong tương lai. Công ty vừa ký kết thỏa thuận cùng NASA với mục tiêu tạo ra hệ thống kiểm soát không lưu hoàn toàn mới để quản lý những chiếc máy bay tầm thấp, vận hành tự động.