Túi khí - “tấm khiên” gắn liền với những tai tiếng

Túi khí - một thiết bị an toàn không thể thiếu trên ôtô - xuất hiện từ rất lâu và đã trải qua không ít “thăng trầm” trước khi được ứng dụng rộng rãi như ngày nay. Đặc biệt, chúng còn trở thành trung tâm một trong những vụ bê bối lớn nhất lịch sử ngành công nghiệp khiến nhiều tên tuổi điêu đứng.

Nguồn gốc của túi khí
 
Bằng sáng chế liên quan đến chiếc túi khí đầu tiên được cấp cho kỹ sư John Hetrick vào năm 1953. Sáng kiến của John Hetrick bắt nguồn từ một vụ tai nạn xảy ra với ông trước đó khoảng một năm. Ban đầu, túi khí được gọi với cái tên khá giản đơn: “safety cushion” (đệm an toàn).
 
Cùng khoảng thời gian, một nhà phát minh khác là Walter Linderer cũng xin cấp bằng sáng chế cho chiếc túi khí của riêng mình có tên gọi “inflatable cushion” - đệm bơm hơi.
 
Các túi khí của Hetrick và Linderer đều hoạt động dựa trên một hệ thống khí nén và phải được kích hoạt bởi chính người lái hoặc va chạm ở cản trước xe. Tuy nhiên, các nghiên cứu sau đó chỉ ra rằng, cơ chế trên không đủ khả năng bơm phồng túi khí một cách nhanh chóng nhằm tối ưu hóa khả năng bảo vệ người dùng.
 
 
Hetrick làm việc với một vài tập đoàn ôtô lớn của Mỹ nhưng không đối tác nào chọn đầu tư vào công nghệ. Túi khí của Hetrick được đánh giá là một phát minh có giá trị. Mặc dù vậy, nó không đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho người phát minh bởi phải sau khi bằng sáng chế hết hiệu lực, tính năng mới được thử nghiệm trên một vài chiếc xe Ford.
 
Năm 1964, kỹ sư ôtô Yasuzaburou Kobori (Nhật Bản) phát triển một công nghệ sử dụng chất nổ để làm phồng túi khí. Ông được cấp bằng sáng chế ở 14 quốc gia khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, người này qua đời vào năm 1975 trước khi các hệ thống được ứng dụng rộng rãi.
 
Năm 1967 đánh dấu bước đột phá trong công nghệ túi khí khi Allen Breed phát minh ra thiết bị cảm biến có khả năng “cảm nhận” một vụ tai nạn sắp xảy đến với chi phí sản xuất chưa đầy 10 USD.
 
Đầu thập kỷ 70, Ford và General Motors bắt đầu cung cấp trên thị trường những chiếc xe được trang bị túi khí an toàn, điển hình là “hạm đội” xe Chevrolet Impala 1973 dành cho chính phủ Mỹ. Các phương tiện đều sở hữu thiết kế vô-lăng đặc biệt tích hợp túi khí dành cho ghế tài xế.
 
 
GM từng tung ra thị trường hệ thống túi khí với tên viết tắt ACRS nhưng đã ngừng cung cấp tùy chọn này kể từ các phiên bản 2017 do không thu hút được sự quan tâm của khách hàng. Trong nhiều năm liền, cả GM và Ford đều “tích cực” vận động hành lang để phản đối các quy định về túi khí với lý do không khả thi. Sau đó, Chrysler đưa túi khí tài xế thành tính năng tiêu chuẩn trên các dòng xe đời 1988-1989. Phải đến đầu những năm 90, túi khí mới được sử dụng rộng rãi trên nhiều mẫu xe tại Mỹ.
 
Ngày nay, túi khí đã trở thành thiết bị không thể thiếu trên các dòng xe mới, từ phân khúc bình dân cho đến những dòng xe cao cấp nhất.
 
Nỗi ám ảnh mang tên “cơn bão túi khí”
 
Kể từ khi bùng lên vào tháng 4/2013, những đợt triệu hồi xe để khắc phục lỗi túi khí đã trở thành nỗi ám ảnh của không ít “ông lớn” trong ngành công nghiệp xe hơi.
 
Chỉ riêng thị trường Mỹ, tính đến nay đã có gần 20 hãng ôtô phải ra thông báo triệu hồi xe để thay thế túi khí bên ghế lái và ghế phụ. Theo Cục quản lý an toàn giao thông quốc gia (NHTSA), đây chính là đợt triệu hồi lớn nhất và phức tạp nhất lịch sử nước Mỹ liên quan đến vấn đề an toàn. Các túi khí chủ yếu do hãng phụ tùng Takata cung cấp và được lắp đặt trên các xe đời từ 2002 đến 2015. Đối với một số trường hợp, túi khí có thể bung ra với lực quá mạnh trong các vụ va chạm khiến những mảnh kim loại sắc nhọn văng ra và gây chấn thương, thậm chí tử vong đối với người ngồi trên xe. Theo thống kê, ít nhất 16 trường hợp tử vong tại Mỹ, trong khi trên toàn thế giới là 24, số người bị thương cũng lên đến con số 300.
 
Tại Việt Nam, bê bối túi khí cũng khiến không ít tên tuổi liên đới. Cách đây không lâu, Cục Đăng kiểm phê duyệt chương trình triệu hồi hơn 7.500 xe Chevrolet Cruze và Orlando do VinFast tiếp quản từ GM để kiểm tra, thay thế túi khí bên ghế lái. Trên các xe bị ảnh hưởng, trong trường hợp gặp tai nạn và hệ thống túi khí được kích hoạt, tùy từng hoàn cảnh mà việc giải phóng khí trơ có thể tạo ra áp lực quá lớn bên trong cụm bơm khí, dẫn đến khả năng cụm bơm khí nứt vỡ, các mảnh kim loại bắn xuyên qua túi khí đã được bơm phồng, gây chấn thương nghiêm trọng cho người lái.
 
Không riêng VinFast, tháng 6/2019, Toyota Việt Nam ra thông báo triệu hồi lần ba đối với 201 xe Vios gặp lỗi tương tự ở túi khí ghế hành khách phía trước. Chương trình dự kiến kéo dài đến ngày 26/6/2022.

Tin tổng hợp

otoxemay.vn