Từ 1/12, xe cơ giới bắt buộc phải bảo dưỡng định kỳ

Thông tư 53/2014/TT-BGTVT của Bộ GTGT quy định từ ngày 1/12/2014, tất cả các phương tiện giao thông cơ giới đều phải tham gia bảo dưỡng định kỳ. Quy định áp dụng đối với các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc bảo dưỡng, sửa chữa và sử dụng xe cơ giới.

 
Theo đó, tất cả các xe cơ giới đều phải đảm bảo các tính năng và tình trạng kỹ thuật thông qua hoạt động bảo dưỡng hoặc bắt buộc sửa chữa theo yêu cầu. Trước khi thực hiện bảo dưỡng, cần phải kiểm tra để đưa ra giải pháp thích hợp.
 
Các xe cơ giới xuất xưởng sau khi bảo dưỡng định kỳ cần phải có biên bản giao xe, trong đó ghi rõ các điều kiện bảo hành sau dịch vụ cũng như thời hạn. Thời hạn bảo hành không được ít hơn 2 tháng hoặc 1.500 km, tùy vào điều kiện nào đến trước. Đổi lại, các chủ xe, đơn vị vận tải phải có trách nhiệm kiểm tra, bảo dưỡng xe thường xuyên sau mỗi ngày hoạt động hoặc sau mỗi chuyến đi để nắm được tình trạng kỹ thuật của phương tiện.
 
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam - Nguyễn Văn Thanh, cho rằng trách nhiệm của chủ phương tiện và phải bảo dưỡng thay vì ỷ lại vào đăng kiểm. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, việc bảo dưỡng định kỳ của phương tiện tham gia giao thông thường bị bỏ ngỏ.
 
Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Nguyễn Hữu Trí cũng cho biết việc kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới là hai công việc có tính chất hoàn toàn khác nhau. Luật Giao thông đường bộ quy định các phương tiện cơ giới khi tham gia giao thông phải đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Bảo dưỡng định kỳ giúp phát hiện kịp thời và khắc phục các dấu hiệu hư hỏng, duy trì tình trạng tốt của xe…
 
Trong khi đó, theo Đại tá Trần Sơn, Phòng CSGT đường sắt, đường bộ, bên cạnh việc đăng kiểm phương tiện theo quy định thì bảo dưỡng cũng là chuyện tất nhiên. Các chủ xe phải bảo dưỡng phương tiện ngay cả khi không có quy định được đưa ra. Ông cho biết các nước trên thế giới đều đã áp dụng từ lâu và tất cả các xe xuất xưởng đều có hướng dẫn bảo dưỡng định kỳ.
 
Mặc dù vậy, Thông tư được ban hành đã gặp phải không ít ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng các quy định đã vô tình đẩy phần khó về người sử dụng hoặc thắc mắc cơ quan, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm giám sát hoạt động này. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, nếu chấp hành đúng Thông tư 53, để vận hành một chiếc  ôtô chạy trên đường, lái xe phải có đủ hơn chục loại giấy tờ, tem sử dụng đường bộ hay biển hiệu tuyến cố định. Như vậy, một chiếc ôtô sẽ chẳng khác nào tấm biển quảng cáo. Đặc biệt, Thông tư không đưa ra điều khoản cũng như chế tài xử lý các trường hợp vi phạm nên cũng có ý kiến cho rằng phải chăng, quy định được đưa ra chỉ để cho vui hoặc mang tính khuyến khích là chính.
 
 
 
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn