Toàn cảnh ôtô thế giới 2012

Nhiều nhà máy ở châu Âu đóng cửa nhưng các thương hiệu xe Đức lại tăng tốc mạnh mẽ, xe Nhật bị tẩy chay ở Trung Quốc nhưng Toyota vẫn trở lại vị trí số 1, bức tranh của ngành công nghiệp ô tô thế giới năm qua được vẽ nên bởi các gam màu đối lập.

1. Biểu tình ở Trung Quốc, tác động mạnh đến chiến lược của các hãng xe Nhật
 
Số xe bán ra của các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản đã giảm mạnh trong các tháng 9 và 10, khi tranh chấp quần đảo Senkaku được đem ra châm mồi cho các cuộc biểu tình đập phá xe Nhật ở Trung Quốc.
 
Tổng số xe dưới 4 chỗ tiêu thụ tại Trung Quốc trong tháng 10 đã tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, lên 1,3 triệu chiếc. Tuy nhiên lượng xe Nhật trong cùng kỳ lại giảm tới 38%, chỉ còn 98.900 chiếc, và lần đầu tiên kể từ năm 2009 giảm xuống dưới ngưỡng 100.000 chiếc. Thị phần của các hãng xe Nhật trong tháng cũng giảm xuống còn 7,6% so với mức 13% của tháng 9.
 
Kể từ khi căng thẳng Nhật - Trung gia tăng vào tháng 9, Nissan dự tính số xe bán ra tại Trung Quốc trong năm 2012 sẽ giảm 175.000 chiếc. Thiệt hại đối với Toyota là khoảng 200.000 xe. Toyota năm 2011 cung cấp 900.000 xe cho người tiêu dùng Trung Quốc và đang nuôi tham vọng vượt ngưỡng 1 triệu xe vào đầu năm 2013 song mục tiêu đó có vẻ như đã không còn khả thi.
 
Giới phân tích cho rằng sẽ là tự sát nếu các hãng xe Nhật ngừng sản xuất hoàn toàn tại Trung Quốc, bởi đây là thị trường ôtô lớn nhất và đang tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, người Nhật cũng không muốn bị phụ thuộc vào một thị trường với các biến động khó lường như thế. Đi đầu là Toyota Motor Corp đã quyết định hoãn xây dựng một nhà máy mới ở Thiên Tân, đồng thời kéo dài thời gian quyết định xây dựng một nhà máy khác ở Quảng Châu.
 
Sự kiện này cũng thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản tìm kiếm các địa điểm đầu tư khác, khiến nhiều nước ASEAN hưởng lợi như Thái Lan hay Indonesia, nhưng không có Việt Nam.
 
2. Các thương vụ sáp nhậpđình đám trong năm 2012
 
Mua lại Porsche, VW trở thành tập đoàn xe hơi đông đảo nhất thế giới với 12 thương hiệu.
 
Nhiều vụ mua bán tiếp tục diễn ra trong năm qua, cho thấy giai đoạn thiếu ổn định của ngành công nghiệp ôtô thế giới vẫn chưa qua. Sau khi tuyên bố phá sản tháng 12/2011, Saab Automobile AB cuối cùng cũng được bán cho tập đoàn đầu tư Trung Quốc-Thụy Điển là National Electric Vehicle Sweden (NEVS).
 
Trong năm 2012, Spyker Cars, nhà sản xuất Hà Lan từng mua Saab năm 2010, cũng phải bán 29,9% cổ phần trong công ty mẹ Spyker NV cho nhà sản xuất Trung Quốc Yougman Ltd.với giá 12,5 triệu USD.
 
Audi năm 2012 gây tiếng vang khi bỏ ra 1,12 tỷ USD mua hãng xe máy Ducati của Italia. Một vụ mua bán đình đám nữa là việc VW được phép tiến hành thỏa thuận mua 50,1% cổ phần của Porsche với giá 5,6 tỷ USD. Kết cục này đã chấm dứt 7 năm thôn tính qua lại làm chia rẽ hai dòng họ thế lực nhất của ngành ôtô Đức Piech và Porsche. Nay, tổng cộng 12 thương hiệu đã qui tụ dưới cái ô của tập đoàn VW, đó là Ducati, Audi, Lamborghini, Bentley, Bugatti, SEAT, Skoda, Volkswagen, Porsche, Suzuki, Scania và MAN.
 
3. Thị trường xe châu Âu sụt giảm, nhiều nhà máy đóng cửa
 
Công nhân biểu tình phản đối PSA đóng cửa nhà máy Aulnay, sa thải 8.000 lao động.
 
Lượng tiêu thụ xe tại châu Âu dự đoán giảm 10% trong năm 2012, tệ nhất kể từ năm 1993.Chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ tình trạng ảm đạm ở châu Âu là các nhà sản xuất xe bình dân. Tháng 7, PSA Peugeot Citroen thông báo kế hoạch cắt giảm 8.000 việc làm và đóng cửa nhà máy ở Aulnay, ngoại ô Paris. Peugeot dự tính thị phần của hãng sẽ giảm tới 9% trong năm 2012.
 
Các nhà máy của Ford tại châu Âu cũng chỉ hoạt động 65% công suất và nhà sản xuất này cũng đã thông báo tới các nghiệp đoàn về kế hoạch đóng cửa nhà máy tại Genk (Bỉ), nơi sản xuất Mondeo và S-Max, đồng thời sa thải 4.300 công nhân để cắt giảm chi phí. Ngoài ra Ford còn có ý định đóng cửa nhà máy ở Southampton (Anh), với 500 công nhân, nơi sản xuất xe Transit.
 
Thị trường ảm đạm cũng khiến các nhà phân tích cho rằng GM sắp ngừng đổ tiền vào chiếc thùng không đáy Opel-Vauxhall. Chi nhánh châu Âu này đã lỗ tới 16 tỷ USD kể từ năm 1999. Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley còn cho rằng rút cục thì GM cũng sẽ phải bán tống bán tháo Opel bởi khoản lỗ của nhà sản xuất ôtô Đức này trong vòng 12 năm ước tính còn lên tới 17 tỷ USD.
 
Doanh số sụt giảm mạnh cũng buộc Giám đốc điều hành Sergio Marchionne phải tập trung vào việc củng cố hoạt động của Fiat ở châu Âu chứ không mua thêm cổ phần của Chrysler Group LLC. Nhà sản xuất Italia nay dự kiến sẽ chỉ bán được 4,6-4,8 triệu xe trong năm 2014 so với mức 6 triệu xe theo kế hoạch 5 năm, đồng thời dự tính lợi nhuận kinh doanh vào năm 2012 là từ 4,7-5,2 tỷ euro so với mức dự tính 7,5 tỷ euro theo kế hoạch.
 
4. Toyota trở lại ngôi vị số 1 thế giới
 
Toyota đã trở lại vị trí số 1, bám sát phía sau là GM và VW.
 
Toyota Motor đã giành lại ngôi vị nhà sản xuất ôtô số một thế giới trong năm 2012, bỏ lại phía sau 2 đối thủ sừng sỏ là GM và VW.Tính tới quí III/2012, Toyota thông báo đã bán được 7,4 triệu xe trên toàn cầu, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là nhờ gói cứu trợ của chính phủ Nhật năm 2009. Trong khi đó, nhà sản xuất xe hơi Mỹ GM bán được 6,95 triệu xe (tăng 2,5%). Đứng ngay sau GM là tập đoàn VW của Đức với 6,7 triệu xe tiêu thụ trên toàn cầu tính đến quí III, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2011.
 
Đáng nói, 2012 là năm nhiều biến động với Toyota. Tăng trưởng tại Mỹ, sụt giảm ở Trung Quốc, bán xe nhiều mà thu hồi cũng lớn. Dẫu vậy, sự phục hồi của Toyota trong năm vừa qua đã đến sớm hơn so với dự đoán.
 
Ngành công nghiệp ôtô thế giới cũng hướng tới một năm kinh doanh kỷ lục, lần đầu tiên trong lịch sử bán được 80 triệu xe con và xe bán tải trên toàn cầu. Trong năm 2012 đà bán xe ngày càng tăng của GM và VW, và sức mạnh của thị trường Mỹ.
 
GM, hãng phải đệ đơn phá sản năm 2008, đã có lãi quí thứ 12 liên tiếp. Trong khi đó, sản lượng ngày càng tăng khiến VW tin rằng họ sẽ trở thành hãng chế tạo ôtô số một thế giới vào năm 2018. Về tầm quan trọng của thị trường Mỹ, nhà phân tích Rebecca Lindland IHS nhận định: “Do qui mô khổng lồ, khi thị trường Mỹ tăng trưởng ở mức 2 con số, nó sẽ thúc đẩy cả phần còn lại của thế giới”.
 
5. Các hãng xe Nhật tăng sản lượng và đầu tư tại Đông Nam Á
 
Một nhà máy Honda ở Indonesia.
 
3 quốc gia lắp ráp ôtô lớn nhất ở Đông Nam Á, Thái Lan, Indonesia và Malaysia sẽ đạt sản lượng xe kỷ lục hoặc ngấp nghé kỷ lục trong năm 2012.
 
Tại Thái Lan, tính đến tháng 9, sản lượng xe đã tăng 32% đạt 1,7 triệu chiếc, vượt mức cao của cùng kỳ năm trước và dự kiến Thái Lan sẽ xuất xưởng hơn 2,2 triệu xe trong cả năm. Các nhà sản xuất ôtô ở Thái Lan, chủ yếu đến từ Nhật Bản, đã sản xuất 1,5 triệu xe trong năm 2011, giảm so với mức 1,6 triệu xe của 2010 do trận động đất kèm sóng thần tại Nhật Bản và lũ lụt tại Thái Lan ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng.
 
Tương tự, Indonesia cũng sản xuất được 788.342 xe tính tới hết quý III và dự kiến sẽ vượt mức kỷ lục 837.948 chiếccủa năm 2011. Trong khi đó Malaysia 9 tháng đầu năm lắp được 425.192 ôtô, và sẽ gần đạt sản lượng 567.715 xe cả năm như hồi 2011. Dự báo con số này các năm sau sẽ còn tăng mạnh khi nhiều hãng ôtô Nhật Bản, cụ thể là Nissan, Mitsubishi và Toyota, đang chuyển việc lắp ráp các mẫu xe cỡ nhỏ sang Đông Nam Á để giảm thiểu tác động của đồng yen mạnh. JP Morgan Nhật dự báo sản lượng ôtô tại Indonesia sẽ tăng lên 1,5 triệu chiếc vào năm 2015, so với con số gần 1 triệu chiếc năm nay, và sau đó là 2 triệu xe vào năm 2020.
 
Hồi tháng 10, Nissan đã tuyên bố sẽ xây dựng nhà máy ôtô thứ hai tại Thái Lan công suất 150.000 xe/năm. Khi đi vào hoạt động tháng 8/2014, nhà máy này sẽ tăng năng lực sản xuất của Nissan tại Thái lên 370.000 xe/năm.
 
Tháng 11, Toyota cũng thông báo kế hoạch xây dựng một nhà máy động cơ mới tại Karawang (Indonesia), và tăng sản lượng tại nhà máy lắp ráp Karawang số 1 từ 110.000 chiếc Innova lên 130.000 xe vào tháng 9/ 2013. Chi nhánh sản xuất xe cỡ nhỏ Daihatsu của Toyota cũng đã khai trương nhà máy thứ hai ở Karawang hồi tháng 10, và trong tháng 12, Toyota Auto Body bắt đầu sản xuất tại PT Sugity Creatives PT, liên doanh sản xuất xe và linh kiện giữa Toyota Motor Mfg Indonesia với Toyota Tsusho.
 
Trái ngược lại hoàn toàn, thị trường ôtô Việt Nam vừa tụt lùi và vừa không có thêm bất kỳ khoản đầu tư nào. Điều này cho thấy các hãng ôtô không chỉ đánh giá thấp năng lực tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của Việt Nam, mà còn cho rằng với các nhà máy sản xuất ở các nước xung quanh đã đủ để giành lấy một phần miếng bánh phòng khi thị trường ôtô trong nước mở cửa. 
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn