Thủ tục sang tên xe cũ đã ‘dễ chịu’ hơn

Thông tư mới vừa ban hành của Bộ Công an đã phần nào giúp người dân đang sở hữu xe “không chính chủ” thở phào nhẹ nhõm khi cánh cửa đăng ký sang tên đổi chủ cho xe cũ đã thông thoáng hơn.

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 12/2013/TT-BCA sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 20 Thông tư số 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 quy định về đăng ký xe. Trong đó đáng chú ý là theo nội dung thông tư này, Bộ Công an đặt ra trường hợp giải quyết đối với hồ sơ không có chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán (hoặc cho, tặng… cuối cùng). Nếu như hồ sơ đầy đủ toàn bộ các loại chứng từ, giấy tờ hợp lệ theo quy định, thời hạn giải quyết hồ sơ sang tên, đổi chủ sẽ chỉ sau 2 ngày làm việc. Với trường hợp thiếu 2 chứng từ kể trên, cơ quan đăng ký xe sẽ cấp giấy hẹn cho người sử dụng xe, giấy có giá trị sử dụng xe 30 ngày để chờ hoàn tất thủ tục sang tên, di chuyển xe.
 
Trong trường hợp không thể tìm lại được người đứng tên trong giấy đăng ký xe hay người bán cuối cùng (chuyển đi nước ngoài hoặc qua đời), người đăng ký sang tên có thể làm cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật, có xác nhận của công an phường, xã nơi thường trú.  
 
Thông tư số 12 sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 15/4/2013 đến 31/12/2014.
 
Cùng với việc phí sang tên ôtô dự kiến giảm còn 2% từ ngày 15/3 và xe máy là 1%, việc cho phép tự chịu trách nhiệm về nguồn gốc phương tiện sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho các chủ xe trong việc đăng ký chính chủ.
 
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện ở Việt Nam có tới 40% phương tiện giao thông đường bộ bao gồm xe máy, xe ôtô đã đổi chủ nhưng không được sang tên. Với gần 2 triệu ôtô và khoảng 35 triệu xe máy đang lưu hành, có nghĩa là số xe chưa chính chủ vào khoảng 800 nghìn ôtô và chừng 14 triệu xe máy. Nếu thủ tục dễ dàng, ước tính số tiền thu được từ nguồn này lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, trong khi người dân được thoải mái sử dụng phương tiện mang tên mình, lợi cả đôi đường.
Đối với xe đăng ký sang tên trong cùng một tỉnh, hồ sơ đăng ký sẽ bao gồm: Giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe có cam kết của người đang sử dụng xe, có xác nhận của cơ quan công an địa phương (phường, xã, thị trấn) nơi người đang sử dụng xe thường trú; chứng từ nộp lệ phí trước bạ theo quy định; chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng; giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (trường hợp bị mất phải trình bày rõ lý do).
Đối với xe đăng ký sang tên không cùng một tỉnh, hồ sơ nơi chuyển đi sẽ tương tự như trên trong khi hồ sơ nơi chuyển đến phải có thêm phiếu sang tên di chuyển kèm theo hồ sơ gốc của xe.
 
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn