Thu hồi xe, chuyện to hóa nhỏ

Chuyện thu hồi trong thế giới các nhà sản xuất xe vì lý do an toàn không còn lạ nhưng sự thật là nó không hề đáng sợ như nhiều người vẫn nghĩ.

Ngày nay, có hàng trăm hãng xe lớn nhỏ và vì thế hàng tháng, thậm chí hàng ngày các thông tin liên quan tới thu hồi xe là chuyện cơm bữa, chuyện “bếp núc” không mấy lạ của làng ôtô thế giới. Mới đây nhất là vụ thu hồi khoảng 3,4 triệu xe hơi Nhật trên toàn cầu gồm các hãng Toyota, Nissan và Honda do lỗi túi khí, sự cố này cũng ảnh hướng tới 152.000 chiếc xe đang bán tại Anh.
 
Tại thị trường xe lớn nhất thế giới là Mỹ, dữ liệu năm 2012 của Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) về hoạt động thu hồi xe, đã có tổng cộng khoảng 16,2 triệu ô tô và xe máy các loại dính lỗi cần thu hồi. Còn ở Anh Quốc, năm qua có tổng số 123 vụ thu hồi, ảnh hưởng đến 958.922 xe.
 
Đỉnh điểm của thu hồi là vụ việc của Toyota vào năm 2010, lên tới trên 9,1 triệu chiếc do lỗi chân ga và thảm lót sàn, trong đó có những dòng xe rất quen thuộc với người tiêu dùng như Avalon, Camry, Corolla hay RAV4. Và năm 2012, hãng này cũng nhận được danh vị “vua thu hồi xe” tại Mỹ với con số 5,3 triệu chiếc. Thế nhưng, Toyota vẫn tăng trưởng tốt và có xe Camry đứng đầu danh sách bán chạy tại Mỹ, mẫu xe Corolla của hãng này cũng không kém cạnh trong cuộc tranh cãi ngôi vị “xe bán chạy nhất thế giới” với Ford Focus. Nhắc đến Ford, hẳn người tiêu dùng không hề quên tới việc hãng xe này có vụ thu hồi lớn nhất lịch sử hãng vào năm 2009, với 14 triệu xe do lỗi công tắc điều khiển hành trình.
 
Sự khác biệt trong nhận thức về câu chữ “thu hồi” lại hiển thị rõ nét ở các thị trường ôtô có mức tiêu thụ khác nhau. Hiển nhiên nơi tiêu thụ nhiều xe thì thông tin thu hồi đến với người dân quen thuộc chẳng khác nào nhận hóa đơn tiền điện, nước. Còn ở thị trường bé, mỗi năm chỉ trên dưới 100.000 xe như Việt Nam thì họa hoằn lắm mới có hãng “dũng cảm” loan báo chuyện xe lỗi.
 
Ở góc độ nhà sản xuất, nhất là ở những nước có pháp luật rõ ràng về quyền lợi người tiêu dùng như Mỹ, các nhà sản xuất không dại gì mà “ỉm” đi một lỗi dù nó chỉ nhỏ như việc vặn ốc chưa chặt hay gạt nước lỏng lẻo…Bởi nếu để người sử dụng xe gặp phải sự cố gây tai nạn thì việc bồi thường còn nặng nề về cả uy tín lẫn vật chất hơn so với chuyện thu hồi sửa chữa xe.
 
Tuy nhiên, chuyện thu hồi xe cũng đem đến cái “cái cớ” rất hợp lý để hãng sản xuất tỏ ra quan tâm tới khách hàng và tạo ấn tượng nhờ các chiến dịch hỏi han, thăm khám cho xe để tìm lỗi. Như tại Anh, Toyota sau khi phát thông tin lỗi túi khí khiến xe phải thu hồi, hãng đã đồng loạt tăng thêm bảo hành cho tất cả các xe mới bán ra.
 
Vì vậy, câu chuyện thu hồi xe thực tế nghe to nhưng hóa nhỏ, bởi nó là một chuỗi liên tục và có chu kỳ hiện hữu ngay trong dây chuyền sản xuất, hoặc hệ thống liên kết sản xuất. Thế nên cũng dễ hiểu khi những hãng xe hàng đầu thế giới cũng đồng thời luôn nằm trong danh sách đầu bảng có xe thu hồi.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn