Thị trường xe máy Việt tăng trở lại, ưu thế vẫn thuộc về Honda

Thị trường xe máy Việt Nam đã tìm lại được đà tăng trường sau hai quý sụt giảm liên tiếp nhờ nhu cầu mua sắm xe máy để đi lại tăng lên sau dịch Covid-19.

 
Nhu cầu mua xe máy tăng cao đã thúc đẩy thị trường xe máy Việt tăng trưởng trở lại sau hai quý suy giảm liên tiếp
 
Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), trong quý đầu tiên của năm 2022, lượng xe máy bán ra của 5 nhà sản xuất xe máy thuộc VAMM gồm Honda, Piaggio, Suzuki, SYM và Yamaha đạt 753.571 xe, tăng 7,43% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là quý tăng trưởng đầu tiên sau hai quý III và IV/2021 suy giảm liên tiếp. Kết quả này cho thấy dấu hiệu “hồi sinh” của thị trường xe máy Việt Nam.  
 
Trong 5 hãng xe máy thuộc VAMM, Honda vẫn chiếm lợi thế khi nắm hơn 70% thị phần. Riêng tháng 2/2022, Honda bán ra thị trường 146.545 xe các loại, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2021.
 
Thị trường xe máy Việt tăng trở lại được cho là nhờ mở cửa trở lại sau thời gian dài dịch bệnh đã làm gia tăng nhu cầu mua xe mới của người Việt. Bên cạnh đó, việc các nhà sản xuất, phân phối bổ sung các mẫu mã mới đã góp phần tạo nên sự “hồi sinh” cho thị trường xe máy. Đơn cử: Trong quý I/2022, Piaggio Việt Nam phân phối thêm hai thương hiệu Aprilia và Moto Guzzi. Yamaha cũng “lấn sân” sang phân khúc mô tô phân khối lớn.
 
Honda vẫn chiếm ưu thế trên thị trường xe máy Việt Nam
 
Mức tăng trưởng của thị trường xe máy Việt Nam có thể còn cao hơn con số mà VAMM công bố. Bởi ngoài 5 thành viên thuộc VAMM, lượng xe máy bán ra thị trường còn có sự đóng góp của gần 10 nhà nhập khẩu, phân phối mô tô phân khối lớn và các đại lý xe máy không chính hãng chuyên doanh xe nhập khẩu. Bằng chứng là trong quý 1/2022, nhiều mẫu xe mới như Honda Vairo 160, Honda CB150X, Genio... đã được các đại lý nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam, góp phần mang đến nhiều cơ hội lựa chọn hơn cho khách hàng tại Việt Nam.
 
Dù thị trường xe máy Việt Nam đang tìm lại đà tăng trưởng, nhưng thách thức mà các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam phải đối mặt không nhỏ. Nhất là khi 5 thành phố lớn gồm TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ tiến hành nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế xe máy phù hợp với hạ tầng và năng lực vận tải hành khách công cộng. Theo đó, 5 thành phố trực thuộc Trung ương được cho là sẽ tiến tới hạn chế hoặc dừng hoạt động xe máy trên một số quận sau năm 2030.
 
 
Bên cạnh đó, thực trạng kẹt xe, ô nhiễm không khí... cũng là những nhân tố tác động không nhỏ đến quyết định sắm xe máy của không ít người Việt, nhất là tại các thành phố lớn. Ngoài ra, theo công ty tư vấn chiến lược hàng đầu Nhật Bản ABeam Consulting (ABeam Việt Nam), đời sống ngày càng được nâng cao khiến nhiều người Việt có đủ điều kiện tài chính để mua ô tô thay vì xe máy. Cơ sở hạ tầng ở Việt Nam được cải thiện cũng làm giảm nhu cầu mua xe máy của người dân. Thực tế cho thấy tỷ lệ giữa số lượng xe máy và ô tô đăng ký tại Việt Nam đạt đỉnh 55,9 xe máy/ô tô vào năm 2010 trước khi liên tục giảm xuống còn 26,7 xe máy/ô tô vào năm 2020.