Thị trường ô tô Mỹ vẫn chìm trong “cơn bão” triệu hồi

Dù các con số chính thức của năm 2015 chưa được công bố, nhưng số lượng xe bị triệu hồi tại thị trường Mỹ đang tiến rất gần đến kỷ lục 64 triệu xe của năm 2014.

Triệu hồi xe lỗi túi khí
 
Các đợt triệu hồi liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau, từ lỗi hộp số đến nguy cơ cháy nổ, đặc biệt lỗi túi khí vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
 
Dù vậy, ông Joan Claybrook - cựu quan chức của Cục Quản lý an toàn giao thông Mỹ (NHTSA) - cho rằng: Việc có lượng lớn ô tô bị triệu hồi diễn ra trong thời gian qua không quá bất ngờ. Các công ty có thể vẫn tiếp tục tiến hành triệu hồi khi họ biết pháp luật đang được thực thi.
 
Kể từ khi hãng xe Toyota bị chỉ trích vì chậm trễ triệu hồi các xe gặp lỗi tăng tốc ngoài ý muốn, giới chức liên bang Mỹ bắt đầu giám sát chặt chẽ hơn các vấn đề về an toàn. Kết quả: Không ít hình phạt được đưa ra, bao gồm 70 triệu USD tiền phạt dành cho Chrysler và 40 triệu USD dành cho BMW chỉ trong một tháng qua. Hãng xe GM cũng đã phải nộp số tiền phạt gần 600 triệu USD để giải quyết những khiếu nại. Theo Đạo luật mới được Quốc hội Mỹ thông qua đầu tháng 12, NHTSA được phép áp dụng mức phạt lên đến 105 triệu USD cho mỗi hành vi vi phạm, cao gấp 3 lần trước đó.
 
Đến nay, hơn 100 người đã thiệt mạng liên quan đến lỗi công tắc đánh lửa. Tuần trước, NHTSA cũng thông báo tại Mỹ có 8 người chết do lỗi túi khí của nhà cung cấp phụ tùng Nhật Bản Takata. Chỉ riêng bê bối này đã gây ra đợt triệu hồi với khoảng 20 triệu phương tiện. Các con số được dự báo sẽ tăng lên khi xe thuộc các thương hiệu Mazda, Honda và Subaru tiếp tục được đưa vào danh sách.
 
Bên cạnh những đợt triệu hồi lớn là một số đợt triệu hồi nhỏ lẻ. Trong đó phải kể đến vụ 13 chiếc Rolls-Royce Phantom bị “gọi về xưởng” vào ngày 18/12 do túi khí bên có thể được sản xuất không đúng tiêu chuẩn hay gần 40 xe Mini Cooper trục trặc ở bộ phận cảm biến trên ghế hành khách. Ngoài ra còn có 185 xe Ferrari California T nguy cơ rò rỉ nhiên liệu.
 
Giới phân tích dự báo: Số lượng vụ triệu hồi năm 2015 sẽ tăng lên và tiếp tục trở thành vấn đề đáng lo ngại trong năm 2016, đặc biệt trong bối cảnh các hãng xe thắt chặt chính sách an toàn để tránh bị “để mắt” bởi NHTSA.